Ông Vũ Văn Tiền được biết đến là một trong những người giàu có nhất Việt Nam, chủ tịch của tập đoàn Geleximco, nhiều công ty lớn.
Ông chủ hàng loạt dự án BĐS đình đám
Geleximco được thành lập năm từ năm 1993, sau hơn 20 năm hình thành và phát triển đến nay tập đoàn này có số vốn điều lệ lên tới 6.000 tỷ đồng, doanh thu hàng năm hàng nghìn tỷ đồng và tăng trưởng đạt hơn 10%/năm. Bên cạnh đó, qua những khoản đầu tư của Geleximco, doanh nhân có biệt danh "Tiền Còi" này còn giữ nhiều vị trí chủ chốt ở các tổ chức lớn khác như Chủ tịch Ngân hàng An Bình, Chứng khoán An Bình và Phó chủ tịch CMC Group,…
Năm 2007, Geleximco chuyển ang mô hình công ty cổ phần:
Trong lĩnh vực địa ốc, đại gia "Tiền Còi" nổi lên như một tỷ phú đô la với hàng loạt dự án BĐS đình đám như Khu đô thị Geleximco –Lê Trọng Tấn 135ha nằm trên địa bàn huyện Hoài Đức và quận Hà Đông. Phần lớn đất thương phẩm đã bán ra thị trường những năm 2007-2011, hiện không còn nhiều biệt thự và liền kề, chỉ còn khu chung cư cao tầng.
Hay như dự án khác là Thanh phố giao lưu Geleximco hợp tác cùng với Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Quốc tế Vigeba và Tập đoàn Bảo Việt. Khu đô thị nằm có vị trí rất đắc địa tại địa chỉ số 234 đường Phạm Văn Đồng (sát cạnh Bộ Công an mới) quy mô 95ha gồm có khu biệt thự, nhà phố liền kề, khu tổ hợp chung cư, hồ điều hòa, và các công trình công cộng khác,…
Năm 1996 Công ty CP Xây dựng Quốc tế VIC đã hợp tác với tập đoàn của Thụy Sĩ để đầu tư dự án này, nhưng đến năm 2000 phía Thụy Sĩ đã rút khỏi dự án nên VIC đã hợp tác với đối tác trong nước để triển khai dự án, lập nên Vigeba (gồm các cổ đông sáng lập là Geleximco 30%, Bảo Việt 30% và VIC nắm 10,56%) ông Vũ Văn Tiền là chủ tịch HĐQT Vigeba, công ty này có vốn điều lệ 180 tỷ đồng.
Khu đô thị có tổng mức đầu tư khoảng 500 triệu USD, đến nay về cơ bản đã hoàn thiện hạ tầng, một số khu biệt thự như TT4 cơ bản đã bán xong, còn lại khu biệt thự TT2 và dãy nhà phố đang triển khai, hồ điều hòa 15ha cũng đang được xây dựng. Khu chung cư được lập thành dự án riêng là Green Stars gồm 7 tòa chung cư cao 25-27 tầng, quy mô gần 2.000 căn hộ do CTCP Ngôi Sao An Bình là chủ đầu tư.
Ngôi Sao An Bình có vốn điều lệ 550 tỷ, trong đó, tính đến tháng 4/2014 Geleximco đã nắm quyền chi phối khi sở hữu 83%, 14% do Hancorp nắm, và 3% còn lại do 1 cổ đông cá nhân nắm giữ. Cho đến thời điểm hiện tại, trong số 7 tòa chung cư đã có 6 tòa được bán ra thị trường, về cơ bản số lượng căn hộ đã được tiêu thụ gần hết.
Phối cảnh tổng thể dự án Thành phố giao lưu |
Để có dự án gối đầu, đại gia Tiền Còi đã tranh thủ gom đất trong lúc thị trường địa ốc suy thoái. Dự án tuyến đường cao tốc Hòa Lạc –Hòa Bình dài 33km, có tổng mức đầu tư 18000 tỷ đồng đã được Geleximco đề xuất đầu tư theo hình thức BT, đổi lại quỹ đất khoảng 900ha Nam Láng Hòa Lạc và 1 sân golf 36 lỗ.
Tuy nhiên, năm 2013 thì Geleximco đột nhiên rút khỏi dự án này với lý do cho rằng quỹ đất không đủ hoàn vốn đầu tư vào tuyến đường.
Bỏ qua dự án BT Hòa Lạc-Hòa Bình, đại gia Vũ Văn Tiền lại nhắm tới những mảnh đất vàng tại Tp.HCM bằng cách thâu tóm thành công 35% Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex) hồi cuối 2014. Bởi Seaprodex hiện đang sở hữu nhiều quỹ đất giá trị như số 4 Đồng Khởi, Q1, Tp.HCM.
Theo giới thiệu của Geleximco, tập đoàn này còn đang là chủ đầu tư nhiều dự án BĐS lớn khác như Dầu Khí –Geleximco tại Hoài Đức 192ha, tổng mức đầu tư 10.322 tỷ đồng; KĐT Đồng Trúc Ngọc Liệp tại Quốc Oai 250ha; KĐT Phú Mãn 461ha, tổng mức đầu tư 6.465 tỷ;KĐT sinh thái Đảo Vạn Cảnh tại Hạ Long…
“Ván bài” HANIC
Mới đây Geleximco lại khiến giới tài chính bất ngờ khi tham gia vào việc tái cấu trúc Công ty cổ phần Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (HANIC-mã chứng khoán SHN). Trong danh sách nhà đầu tư chiến lược đợt phát hành 95 triệu cổ phiếu của SHN thì Geleximco, ông Vũ Văn Tiền, ông Vũ Văn Hậu em trai ông Tiền và ông Đào Mạnh Kháng em rể ông Tiền dự kiến mua 46,5 triệu cổ phiếu tương đương 465 tỷ đồng theo mệnh giá.
HANIC được thành lập vào 2004, hoạt động kinh doanh về xe máy, thép, xuất khẩu lao động,…trong giai đoạn thị trường BĐS sôi động 2007-2011, HANIC bắt đầu tham gia đầu tư thứ cấp và niêm yết trên thị trường chứng khoán. Sau nhiều lần tăng vốn, đến 2010 vốn điều lệ của SHN đã lên tới trên 324 tỷ đồng, cổ phiếu SHN cũng được giới đầu tư quan tâm.
Tuy nhiên, đến khi BĐS suy thoái SHN cũng lâm vào nguy cơ phá sản khi đối diện với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vụ việc hợp tác với Công ty CP Beta-BQP.
Nhìn vào SHN đến nay không thấy có điểm nổi trội nào về dự án BĐS để các đại gia quan tâm, bởi công ty này chỉ còn lại một số khoản đầu tư tài chính đáng chú ý như 237,7 tỷ ở Beta –BQP, hay một số khoản phải thu khác như chuyển nhượng quyền theo đuổi dự án Tây Mỗ cho Dubai Capital trị giá 53,8 tỷ và khoản 22 tỷ ở một số tổ chức, cá nhân khác.
Có lẽ việc thâu tóm SHN của đại gia Vũ Văn Tiền đang nhắm đến là một “ván bài khác”. Chia sẻ về lý do tham gia vào SHN, ông Tiền cho rằng ngoài việc thế mạnh cùng lĩnh vực kinh doanh, SHN còn có lợi thế lớn của một doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán-lĩnh vực mà Geleximco cũng đang rất quan tâm.
(Theo Trí thức trẻ)