Nội dung được nêu rõ tại Nghị quyết số 14-NQ/HU của Huyện ủy Vân Canh. Hiện tỷ lệ hộ nghèo ở huyện là 19,32%; năm nay huyện phấn đấu giảm thêm 10,6% tỷ lệ hộ nghèo (tương đương 964 hộ thoát nghèo), giảm 1,8% tỷ lệ hộ cận nghèo (nghĩa là 164 hộ thoát cận nghèo). Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm còn dưới 6%.
Qua rà soát nguyên nhân nghèo, trong gần 3.400 hộ nghèo, cận nghèo tại huyện Vân Canh, có 219 hộ thiếu đất sản xuất, 282 hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, 324 hộ không có lao động, 1.218 hộ không có công cụ, phương tiện sản xuất, 881 hộ thiếu kiến thức, kỹ năng lao động, sản xuất, 417 hộ có người ốm đau, bệnh nặng…
Đây là căn cứ quan trọng để huyện và các xã đưa ra các nhóm giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ đúng mục đích, đúng địa chỉ, rõ đối tượng, mục tiêu giúp các hộ sớm thoát nghèo.
Tại xã Canh Thuận, hộ gia đình bà Đinh Thị Xuân Bình, ở làng Hà Văn Trên, thuộc diện hộ nghèo. Gia đình bà được tạo điều kiện làm thủ tục vay 100 triệu đồng từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện nhằm xây dựng kiên cố chuồng trại, phát triển chăn nuôi heo, gà, cá, trồng mì cao sản.
Bà Bình hi vọng, với diện tích đất rẫy hiện có của gia đình, cùng nguồn vốn vay hỗ trợ hộ nghèo được giải ngân giúp gia đình bà chăn nuôi và trồng trọt sẽ đem lại nguồn thu nhập đáng kể để họ sớm thoát khỏi diện nghèo trong năm 2024.
Năm nay, xã Canh Thuận nơi bà Bình sinh sống phấn đấu giảm 289 hộ nghèo đa chiều, trong đó hộ nghèo giảm 241 hộ, hộ cận nghèo giảm 48 hộ, tương đương 28% tổng số hộ nghèo trên toàn xã.
Lãnh đạo xã cho biết, trong năm 2024, xã hỗ trợ tạo điều kiện cho 105 hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng CSXH để phát triển sản xuất, phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi.
Cùng với đó, UBND xã cũng sẽ đẩy mạnh hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất cộng đồng, hỗ trợ cây giống, vật nuôi, vật tư, nguyên liệu sản xuất… giúp các hộ giảm nghèo bền vững”, ông Toàn nói.
Còn tại xã Canh Hiệp, gia đình ông Đoàn Văn Trường, ở làng Hiệp Hưng, cũng thuộc diện hộ nghèo. Để giúp gia đình có sinh kế, phát triển chăn nuôi, địa phương vừa hỗ trợ cho ông 2 con bò giống từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững với tổng giá trị 32 triệu đồng.
Từ cặp bò giống này, gia đình ông Trường đang tập trung chăm sóc để bò phát triển tốt, tăng thu nhập. Được sự hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương và cộng đồng, ông Trường thêm động lực phát triển sản xuất. Ngoài chăn nuôi bò, gia đình còn chăn nuôi thêm 5 con heo đen, đàn gà 50 con. Ông mong chờ ngày sớm thoát khỏi diện hộ nghèo.
Để thực hiện đạt được mục tiêu giảm hơn 1.000 hộ nghèo, cận nghèo năm 2024, huyện Vân Canh chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng KT-XH; đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, thu nhập tốt cho người nghèo.
Ngoài hỗ trợ vốn, huyện sẽ bố trí đất sản xuất cho 219 hộ ở các xã: Canh Liên, Canh Hòa, Canh Thuận, Canh Hiển; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 200 hộ không có đất sản xuất; hỗ trợ vốn để mua công cụ, phương tiện sản xuất cho 654 hộ; đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghề cho 127 hộ; hỗ trợ phát triển sản xuất cho 681 hộ tham gia dự án phát triển sản xuất cộng đồng…
Việc nâng cao nhận thức của người dân nghèo, cận nghèo và nhân dân về giảm nghèo rất quan trọng. Năm 2024, Hội Nông dân huyện Vân Canh được UBND huyện cấp bổ sung ngân sách 83 triệu đồng thực hiện Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 3 và Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 7 Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.
Hội Nông dân huyện đã tổ chức 2 lớp tập huấn cho 200 hội viên tham gia về thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư; 1 lớp tập huấn nâng cao năng lực thực hiện chương trình cho 100 hội viên; 1 đợt tham gia phiên chợ nông sản ở An khê, Gia Lai; tổ chức cho 100 hội viên nông dân tham quan mô hình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi theo chuỗi giá trị trên địa bàn huyện.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh Bình Định tổ chức 3 lớp tập huấn thuộc Chương trình MTQG về công tác giảm nghèo bền vững tại huyện Vân Canh và Hội thi Nông dân với công tác giảm nghèo bền vững. Qua các hoạt động, hội viên nông dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực hiện và giám sát chương trình, nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, từng bước thoát nghèo, giảm nghèo bền vững.