Hỗ trợ đầu thu Set-top box DVB-T2 để các hộ nghèo, cận nghèo vẫn có thể thu xem được tín hiệu truyền hình sau khi cả nước tắt sóng analog là một chính sách mà tất cả các quốc gia đều áp dụng. Tuy nhiên, Việt Nam có những đặc thù riêng mà các nhà làm chính sách cần phải tính đến khi xây dựng phương án hỗ trợ đầu thu.


{keywords}

Trên thực tế, khi toàn quốc tắt sóng analog, các hộ gia đình hiện đang sử dụng dịch vụ truyền hình cáp, vệ tinh, truyền hình Internet đều không bị ảnh hưởng. Chỉ những hộ gia đình vẫn đang sử dụng TV đời cũ, thu tín hiệu bằng ăng ten râu truyền thống mới cần phải chuyển đổi, hoặc nâng cấp lên TV đời mới, hoặc trang bị thêm đầu thu Set-top box (STB) để thu tín hiệu truyền hình số.

Trao đổi với VietNamNet, ông Lê Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện nhấn mạnh rằng, kể từ sau ngày 1/4 vừa qua, tất cả các mẫu TV trên 32-inch mới sản xuất hoặc nhập khẩu vào thị trường Việt Nam đều phải hỗ trợ chuẩn DVB-T2 theo quy định mới nhất của cơ quan quản lý. Dù ban đầu, các nhà sản xuất dự kiến rằng khi tích hợp DVB-T2, giá thành TV có thể bị đội thêm 5-7 USD/sản phẩm nhưng ghi nhận, khảo sát thực tế đều cho thấy, thị trường không hề có sự biến động nào về giá. Những TV này sau khi mua về thì người dùng chỉ cần sử dụng ăng-ten râu cũng đã có thể thu được tín hiệu truyền hình HD.

Quay trở lại với câu chuyện hỗ trợ đầu thu cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, ông Tuấn cho biết chủ trương của Bộ TT&TT là sẽ cấp đầu cho các hộ nghèo theo danh sách do Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội cung cấp. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều vấn đề liên quan đến việc triển khai chủ trương này vào thực tiễn như thế nào. Chẳng hạn như đang có hai mô hình được bàn thảo là tặng luôn đầu thu hoặc phát coupon (phiếu mua hàng) trị giá x đồng. Các hộ gia đình nhận phiếu có thể tự tham khảo thị trường và lựa chọn loại đầu muốn mua, nếu chọn đầu thu tốt hơn, chất lượng cao hơn thì có thể bù thêm tiền. Phương án đầu có thể sẽ kích thích được ngành sản xuất đầu thu trong nước khi tạo ra thị trường và nguồn cầu lớn cho các doanh nghiệp điện tử nội, trong khi phương án hai có sự linh hoạt cao hơn. Ngược lại, nhược điểm của phương án hai là giá bán đầu thu trong nước hiện nay đang cao hơn so với đầu thu Trung Quốc nên khó cạnh tranh khi người dùng buộc phải xem xét đến giá trị kinh tế.

Hay như việc hộ gia đình không có TV thì có hỗ trợ đầu thu hay không cũng là một câu hỏi chưa có đáp án thống nhất. Trên nguyên tắc, việc hỗ trợ đầu thu là để những hộ nào đang sử dụng TV cũ cũng có thể xem được truyền hình quảng bá (lên tới 75 kênh miễn phí) khi phát sóng số, nên nếu hộ đó chưa có TV thì tặng đầu thu cũng không giải quyết được vấn đề. Đó là chưa kể nhiều vấn đề phát sinh khác liên quan đến việc hỗ trợ như thế nào cho đúng đối tượng.

Một giải pháp được khá nhiều người nêu ra là xã hội hóa và thu hút nguồn lực doanh nghiệp vào chương trình hỗ trợ đầu thu cho hộ nghèo. Chẳng hạn như UBND Tp. Hà Nội đã quyết định đồng ý cho Công ty AVG tham gia kế hoạch Số hóa Truyền hình mặt đất trên địa bàn Thành phố, khi công ty này cam kết tặng đầu thu kỹ thuật số miễn phí cho khoảng 50.000 hộ nghèo, cận nghèo của Hà Nội từ nay đến cuối năm 2014.

Theo chương trình này, các hộ nghèo không chỉ nhận được đầu thu mà còn được miễn phí hòa mạng và thuê bao để xem 70 kênh truyền hình kỹ thuật số. Trong số đó có 10 kênh tuyên truyền thiết yếu quốc gia và 2 kênh tuyên truyền thiết yếu của thành phố Hà Nội.

  • Trọng Cầm