ASEAN được biết đến là một khu vực có nền văn hóa đa dạng, phong phú và đẹp nhất thế giới. Sở hữu vị trí địa lý thuận lợi, các quốc gia ASEAN với những nền văn hóa tiêu biểu đặc trưng không bị ảnh hưởng lẫn nhau đã mang lại cho ASEAN một nền văn hóa đa dạng và độc đáo.
Có thể thấy nét chung nhất của Cộng đồng ASEAN về văn hóa là có chung một nền tảng của nền văn minh lúa nước. Địa hình khu vực và khí hậu nóng ẩm của ASEAN còn tạo nên sự tương đồng trong cách ăn, ở, sinh hoạt của cư dân khu vực này.
ASEAN có đến hàng trăm dân tộc khác nhau, vì thế phong tục, tập quán rất đa dạng, tạo nên một bức tranh đa sắc, rực rỡ. Theo một chuyên gia nghiên cứu về dân tộc học, Myanmar có tới hơn 130 đơn vị tộc người; Việt Nam có 54 dân tộc, Thái Lan có khoảng 40 tộc người; Lào có 48… Về ngôn ngữ, ở Indonesia có tới 300 nhóm ngôn ngữ tộc người khác nhau; ở Philippines, có hơn 90 nhóm địa phương thuộc nhiều tộc người khác nhau và ở Malaysia, cơ cấu tộc người bản địa sống rải rác trên khắp các vùng đất.
Những tôn giáo lớn trên thế giới đều có mặt ở Đông Nam Á. Có thể nhận ra điều này khi nhìn vào bức tranh tôn giáo của một số nước như: Brunei Darussalam: Hồi giáo 63%, Phật giáo 14%, Thiên Chúa giáo 8%, các tôn giáo khác 15%; Campuchia: Phật giáo tiểu thừa 95%, các tôn giáo khác 5%; Indonesia: Hồi giáo 88%, Tin lành 5%, các tôn giáo khác 7%; Lào: Phật giáo 60%, thờ vật tổ 40%; Myanmar: Phật giáo 89%, Thiên Chúa giáo 4%, Hồi giáo 4%, các tôn giáo khác 3%; Philippines: Công giáo La Mã 83%, Tin lành 9%, Hồi giáo 5%, Phật giáo 3%; Thái Lan: Phật giáo 95%, các tôn giáo khác 5%...
Theo một số nghiên cứu thì cư dân ASEAN có những nét chung thống nhất về mặt văn hóa vì những cư dân ở đây có chung một nền tảng văn hóa là lấy sản xuất nông nghiệp lúa nước làm phương thức hoạt động kinh tế chính. ASEAN được coi là cái nôi của cây lúa nước và là một trong năm trung tâm cây trồng lớn trên thế giới. Chính vì thế, ASEAN đã trở thành một trong những nơi có cuộc cách mạng nông nghiệp sớm nhất trên thế giới.
Với sự đa dạng và đa sắc của các quốc gia trong ASEAN hiện nay, việc mở cửa và hội nhập, hợp tác vì một nền văn hóa khu vực đầy bản sắc, đa dạng là cần thiết, là nguyên tắc sống còn để phát triển và tạo nên sự bình đẳng. Vì lẽ đó, Chính phủ và nhân dân các nước ASEAN đều có chung một mục tiêu là hợp tác vì một nền văn hóa ASEAN đầy bản sắc, đa dạng trong thống nhất. Với vị trí địa lý chiến lược quan trọng - nơi giao thoa hội tụ các nền văn hóa thế giới, chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ, văn hóa Âu Mỹ, sự đa dạng văn hóa ASEAN sẽ góp phần kết nối giữa các dân tộc, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển trong khu vực; Là nền tảng vững chắc cho ngôi nhà chung ASEAN ngày càng trở nên tốt đẹp, thịnh vượng hơn.
Theo tiến trình toàn cầu hóa nói chung và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội khu vực ASEAN nói riêng, sự hợp tác, liên kết và hội nhập giữa các quốc gia và người dân ngày càng phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa. Trong xu thế quốc tế hóa và toàn cầu hóa như hiện nay, văn hóa là cầu nối quan trọng trong quan hệ quốc tế của mỗi nước thành viên ASEAN
Sự vận động và phát triển của ASEAN trong những năm qua cũng nằm trong quy luật đó và Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy của khu vực và quốc tế. Tham gia hội nhập ASEAN Việt Nam có điều kiện khai thác tối đa những thuận lợi để xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển đất nước. Thành tựu lớn nhất mà ASEAN đạt được là không chỉ tăng cường sự hiểu biết, tin cậy nhau và sẵn sàng hỗ trợ nhau khi cần thiết, mà còn thúc đẩy tinh thần đoàn kết giữa nhân dân các nước ASEAN.