Cách nay 20 năm, xuất phát là một Sở mới ra đời, đảm nhận nhiệm vụ mới vô cùng quan trọng và phức tạp đó là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển nhanh đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao.
Xây dựng hệ thống truyền thông đa tầng, rộng khắp
Những ngày đầu mới thành lập, Sở TT-TT gặp nhiều khó khăn, khởi đầu là đội ngũ đa phần trẻ, chuyển từ doanh nghiệp sang, thiếu kinh nghiệm trong quản lý Nhà nước, thiếu cả cơ sở vật chất; toàn tỉnh chỉ có Bưu điện tỉnh là đơn vị duy nhất cung cấp dịch vụ bưu chính, chuyển phát; tỷ lệ phủ sóng phủ sóng 2G chỉ đạt 15% dân số toàn tỉnh và hầu hết chỉ tập trung ở khu vực trung tâm huyện; toàn tỉnh chỉ có 253 thuê bao (mật độ thuê bao/100 dân: 0,06);... 20 năm qua, Sở TT-TT đã “vượt lên chính mình” xây dựng, phát triển và hoàn thiện mô hình hoạt động; dẫn dắt xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số ở địa phương.
Từ hệ thống truyền thông manh mún thời điểm 20 năm về trước, đến nay Đắk Nông đã xây dựng được hệ thống truyền thông đa tầng, rộng khắp; khẳng định vai trò là dòng chảy thông tin chính của xã hội, tạo đồng thuận, lan toả năng lượng tích cực, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Đắk Nông bứt phá vươn lên.
Hệ thống truyền thanh cấp xã: 1.200 cụm loa, tỷ lệ phủ sóng truyền thanh/thôn khoảng 65% (trong đó có 37/71 xã đã xây dựng hệ thống truyền thanh ứng dụng CNTT-VT); hệ thống thông tin điện tử được triển khai rộng khắp, khi mới thành lập trên địa bàn tỉnh chưa có Cổng/Trang TTĐT của các Sở, ngành, đơn vị, địa phương. Đến tháng 6/2024, toàn tỉnh có 600 Trang TTĐT có tên miền .vn ; trong đó có hơn 200 Trang TTĐT của cơ quan nhà nước; có 01 báo điện tử; 01 Cổng TTĐT tỉnh; toàn tỉnh có 220 tên miền dạng “daknong.gov.vn” tăng hơn 30% so với năm 2022; 100% sở, ban, ngành, UBND cấp huyện có trang TTĐT và Trang Zalo OA phục vụ thông tin, tuyên truyền (100% Zalo OA thiết lập mới năm 2022); có 67/71 xã phường có trang thông tin điện tử (có thể truy cập được).
Dẫn dắt công cuộc Chuyển đổi số
Nhằm đẩy mạnh tiếp cận và ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đặc biệt là ứng dụng và phát triển công nghệ số, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho Ban cán sự Đảng UBND tỉnh trình Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về Chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trực tiếp tham mưu cho UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch chi tiết với 96 nhiệm vụ với yêu cầu cụ thể về kết quả đạt được, thời gian hoàn thành, phân vai chủ trì cho từng chủ thể để “Chuyến đổi số là động lực tạo ra cơ hội, giá trị mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong thời kỳ mới”.
Xác định cơ sở dữ liệu đóng vai trò “nhiên liệu”, của quá trình chuyển đổi số, Đắk Nông đã triển khai tạo dựng cơ sở hạ tầng, kết nối dữ liệu số, trọng tâm là triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu cấp tỉnh và liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Đến nay đã xây dựng 10 hệ thống thông tin chuyên ngành; kết nối 13/23 hệ thống thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia; 06/19 sở, ban, ngành đã kết nối và chia sẻ dữ liệu dùng chung qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh (LGSP).
Đặc biệt, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) của tỉnh. Với 11 phân hệ (Kinh tế - Xã hội, Y tế, Giáo dục, Phản ánh kiến nghị, Dịch vụ công, Đầu tư công, Camera giám sát, Doanh nghiệp, Du lịch, Môi trường, Đất đai). Thông qua việc kết nối, tổng hợp, phân tích và xử lý các dữ liệu số giúp lãnh đạo tỉnh giám sát, nắm tình hình 24/7 của các ngành, lĩnh vực để có cơ sở đưa ra quyết định chỉ đạo, điều hành kịp thời, sát thực tế.
Việc tạo dựng và kết nối các hệ thống cơ sở dữ liệu không chỉ phục vụ cho công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành mà còn làm tăng tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động của cơ quan nhà nước và thúc đẩy sự sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội; tăng hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp cơ quan nhà nước; Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh hiện có 18 máy chủ vật lý với 130 máy chủ ảo hóa, bảo đảm hạ tầng để duy trì, hoạt động ổn định với 34 hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh.
Hướng đến mục tiêu đến năm 2030, đưa toàn bộ hoạt động của hệ thống chính quyền các cấp lên môi trường số, các giải pháp xây dựng chính quyền số được ưu tiên triển khai thực hiện. Thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số trong các cơ quan, đơn vị, địa phương để từng bước thay đổi thói quen, cách làm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn bằng công nghệ số và nền tảng, dữ liệu số, góp phần phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh. Nhiều sở, ngành, cơ quan, đơn vị đã triển khai các ứng dụng phần mềm chuyên ngành để nâng cao hiệu quả công việc như: Nền tảng nông nghiệp số, Du lịch thông tin, truy xuất nguồn gốc của sản phẩm; xây dựng phần mềm xây dựng cơ sở dữ liệu cấp chứng chỉ hành nghề, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; triển khai đồng bộ dữ liệu khám chữa bệnh về các kho cơ sở dữ liệu; triển khai phầm mềm dạy học trực tuyến...Đặc biệt, hệ thống cơ sở dữ liệu đã được tích hợp và chia sẽ phục vụ UBND tỉnh trong công tác điều hành, chỉ đạo.
Đưa vào sử dụng từ tháng 11/2023, ứng dụng Đắk Nông - C cho phép người dân, doanh nghiệp và du khách truy cập các thông tin, dịch vụ và tiện ích của chính quyền số một cách nhanh chóng và dễ dàng.
Đắk Nông đã có bước tiến lớn trong việc hình thành nền tảng “xã hội số”. Tính đến tháng 06/2024, toàn tỉnh đã thu nhận 358.354 hồ sơ đăng ký tài khoản định danh điện tử, trong đó đã thực hiện kích hoạt 313.890/324.898 tài khoản (đạt tỷ lệ 96,61%). Số lượng căn cước công dân (CCCD) gắn chip được đồng bộ với thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) còn hiệu lực để đi khám, chữa bệnh bằng CCCD là 532.823/550.847 người (đạt 96,7%).
Thực hiện hỗ trợ đưa hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, đặc biệt là các hàng nông sản đạt tiêu chuẩn OCOP, VIETGAP,… lên sàn thương mại postmart.vn. Đến nay, đã hỗ trợ lên sàn thương mại điện tử cho 1.161 sản phẩm, trong đó có 47/60 sản phẩm OCOP và 1.114 sản phẩm nông nghiệp khác, tổng số giao dịch 27.528 lượt; tổng số hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN) đã được số hóa thông tin là 111.390 hộ, đạt 65,8%. Số hộ sản xuất kinh doanh được đào tạo về kỹ năng số là 135.711 hộ, đạt tỷ lệ 80,2%.
Thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai rộng khắp. 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đăng ký nộp thuế điện tử, hơn 98% tổng số thu NSNN được hạch toán bằng phương thức điện tử, các khoản chi NSNN qua ngân hàng đạt 100%/tổng số chi NSNN tại KBNN tỉnh; Ước tính đến giữa năm 2024, tỷ trọng kinh tế số chiếm 10% GRDP của tỉnh.
Hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích
Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, hướng đến mục tiêu tổng quát phấn đấu đến năm 2030, chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh, hoàn thành cơ bản các mục tiêu của Chính phủ trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Đắk Nông trở thành tỉnh trung bình khá trong cả nước về chuyển đổi số; hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích, tạo môi trường khởi nghiệp sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Thúc đẩy tiến trình kết nối và mở dữ liệu, tạo cơ hội phát triển kinh tế số, xã hội số, hướng đến phát triển đô thị thông minh bền vững của tỉnh Đắk Nông bao gồm quy hoạch thông minh, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông và phát triển, cung cấp các dịch vụ, tiện ích đô thị thông minh. Bảo đảm phát triển đô thị thông minh bền vững của tỉnh gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số trên phạm vi toàn tỉnh theo hướng tiếp tục lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Lâm Viên