Trong phiên giao dịch sáng 21/9, các doanh nghiệp trong nước đã đồng loạt tăng giá vàng miếng từ 200.000-300.000 đồng so với hôm qua, đẩy giá vàng vượt ngưỡng 42 triệu đồng/lượng.

Hiện tại, Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn - SJC niêm yết giá vàng tại TP.HCM ở mức 41,9 triệu đồng/lượng (mua vào) và 42,2 triệu đồng/lượng (bán ra).

So với hôm qua, giá vàng tại đây đã tăng 250.000 đồng ở cả hai chiều mua và bán. Tại thị trường Hà Nội và các thành phố lớn khác, SJC niêm yết giá mua tương đương TP.HCM nhưng giá bán ra được doanh nghiệp đặt cao hơn 20.000 đồng, hiện ở mức 42,22 triệu đồng/lượng.

Giảm 400.000 đồng từ đầu tháng 9

Trước đó, trong cả tuần giao dịch (16-21/9), giá vàng SJC đều dao động dưới ngưỡng 42 triệu đồng do tác động giảm từ vàng thế giới những ngày qua.

Tăng trở lại mốc 42 triệu đồng/lượng, nhưng tính từ đầu tháng 9 đến nay, giá vàng SJC đã giảm 400.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều. Nếu tính chênh lệch cả giá mua và giá bán, nhà đầu tư mua vàng từ 1/9 đến nay vẫn chịu khoản lỗ 700.000 đồng mỗi lượng.

{keywords}
 

Thậm chí, nếu mua vào tại giá đỉnh từ đầu tháng (42,9 triệu đồng/lượng), người mua đến nay đã lỗ cả triệu đồng.

Tương tự, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI sáng nay cũng đã đẩy giá giao dịch vàng miếng SJC lên mức 41,98-42,18 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng xấp xỉ 200.000 đồng so với chiều qua.

Giá vàng tại Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận - PNJ sáng nay cũng đã tăng lên mốc 41,85-42,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). So với cuối giờ chiều qua, giá mua vào tại đây đã tăng 250.000 đồng, trong khi giá bán ra được điều chỉnh tăng 300.000 đồng.

Theo chia sẻ của các giao dịch viên sáng nay, vàng trong nước có dấu hiệu hồi phục nhưng lượng giao dịch của người dân không tăng đột biến, thậm chí còn giảm so với những đợt tăng giá trước đó. Đây cũng là nguyên nhân khiến mức chênh lệch giá mua - bán tại các doanh nghiệp không cao do không có nhu cầu đột biến.

Trước đó, tiến sĩ Bùi Quang Tín đánh giá thị trường vàng trong nước đứng trước rủi ro giảm hơn là tăng. Chuyên gia nhận xét vàng hiện nay đã không còn là kênh đầu tư phổ biến của nhiều người vì độ rủi ro cao. Hiện tại, chỉ những nhà đầu tư lớn hiểu về kỹ thuật mới tham gia thị trường đầy biến động này.

Ngoài ra, ông Tín cũng cho biết khi giá vàng tăng cao đột biến, Ngân hàng Nhà nước sẽ có động thái để kiểm soát, ổn định thị trường. Nguyên nhân do giá vàng tăng mạnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ giá, lãi suất, từ đó tác động tới lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Giá vàng quốc tế tăng

Giá vàng trong nước sáng nay tăng trở lại nhờ hiệu ứng từ đà tăng giá mạnh của vàng thế giới phiên đêm qua (theo giờ Việt Nam). Cụ thể, giá vàng thế giới đêm qua đạt mức 1.517 USD/ounce, tăng gần 17 USD. Trong tuần qua đã có lúc vàng thế giới giao ngay giảm về dưới mốc 1.500 USD/ounce.

{keywords}
Giá vàng quốc tế tăng trở lại. Ảnh: NYT. 

Hợp đồng vàng tương lai giao tháng 12 hiện cũng ở mức 1.520 USD/ounce, tăng gần 1% so với phiên thứ 6.

Nguyên nhân chính khiến vàng thế giới tăng trở lại là thông báo cắt giảm lãi suất điều hành 0,25 điểm % xuống 1,75-2% của FED. Cơ quan này cho biết do tác động của tình hình thế giới đến nền kinh tế Mỹ và lạm phát trầm lắng, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) quyết định giảm lãi suất chính sách thêm 0,25% xuống 1,75-2%.

Mục tiêu cơ bản của động thái giảm lãi suất lần này là ngăn ngừa rủi ro, bao gồm kinh tế toàn cầu yếu ớt và căng thẳng thương mại. Cơ quan này cũng cho biết các bước điều chỉnh lãi suất trong tương lai sẽ phụ thuộc vào diễn biến kinh tế thực tế và kỳ vọng.

Tuyên bố của Chủ tịch Jerome Powell và dự báo kinh tế của các thành viên FOMC cho thấy FED có thể duy trì mức lãi suất này cho đến cuối năm 2020. Trong khi đó, các nhà đầu tư kỳ vọng FED sẽ tiến hành thêm một đợt giảm lãi suất vào tháng 12/2019 tới đây.

FED sẽ còn 2 cuộc họp chính sách trong năm, vào tháng 10 và tháng 12. Công cụ giám sát lãi suất FED của Investing.com cho thấy khả năng cơ quan này cắt giảm lãi suất vào tháng 10 ở mức dưới 50%, nhưng dự báo sẽ có một lần cắt giảm lãi suất khác vào tháng 12.

(Theo Zing)