Sáng nay, tại kỳ họp thứ 5 (kỳ họp chuyên đề), HĐND TP Hà Nội khóa XVI xem xét, quyết định chủ trương bố trí, cân đối vốn cho Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 vùng Thủ đô.

Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh đánh giá, đây là công trình rất lớn trên địa bàn Thủ đô và vùng Thủ đô. Về quy mô, tổng mức đầu tư có lẽ công trình này lớn nhất từ trước tới nay. Đây cũng là phiên họp lịch sử với Thủ đô về quyết nguồn vốn thực hiện dự án.

Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh. Ảnh: CTV

Ông Minh lấy ví dụ về cây cầu Cổng Vàng của Mỹ, dài khoảng 2.700m và nhìn thấy được từ trạm vũ trụ quốc tế.

"Cây cầu cạn đường Vành đai 4 đi qua 3 tỉnh (trong đó Hà Nội là 58,2km) với mặt cắt 120m. Phần cầu cạn có tổng chiều dài khoảng 72km, từ trạm vũ trụ quốc tế cũng sẽ nhìn thấy được", ông Minh nói.

Bí thư huyện Thường Tín thông tin, huyện đang phấn đấu để khoá sau trở thành một quận của Thủ đô Hà Nội. Huyện hướng tới phát triển mạnh về du lịch, mong muốn tận dụng được công trình đường Vành đai 4.

Theo ông Minh, trên địa bàn huyện, đường Vành đai 4 sẽ nối hai địa phương Hưng Yên với Hà Nội. Phía Hưng Yên là xã Mễ Sở, bên Hà Nội có xã Hồng Vân. Cây cầu nối hai bên chưa có tên, nhưng theo ông Minh, Hà Nội nên báo cáo TƯ đặt tên là Chí Nghĩa, bởi được lấy theo ý từ hai câu nổi tiếng trong bài Bình Ngô Đại cáo.

Ông Minh cũng cho rằng, kết cấu của cầu cần tạo điểm nhấn cho việc phát triển du lịch, như cầu Cổng Vàng của Mỹ, một năm đón hàng chục triệu du khách đến tham quan. Huyện cũng đang chờ thành phố phê duyệt giá đất để tiến tới đấu giá, khởi công dự án lưu niệm tưởng nhớ danh nhân Nguyễn Trãi, trong khuôn viên có tháp Chí Nghĩa, nhìn thấy được từ đường Vành đai 4 để kích thích phát triển du lịch...

Đại biểu Vũ Mạnh Hải (huyện Thường Tín) nêu, trong quá trình thiết kế đường Vành đai 4, nếu có đi qua một số khu vực làng nghề có tỷ trọng kinh tế cao, phát triển du lịch sinh thái, môi trường, xuất hàng đi quốc tế, nên chú ý đến nhu cầu sử dụng kết nối của các làng nghề.

"Khi thiết kế một số cây cầu, ngoài chức năng giao thông thì cũng nên nghiên cứu, quan tâm đến nhu cầu thẩm mỹ. Mỗi cây cầu xây dựng bây giờ không dừng lại ở tiêu chí an toàn giao thông mà còn trở thành các công trình văn hoá", ông Hải nêu quan điểm.

ĐB Nguyễn Thành Nam (huyện Phú Xuyên) cũng khẳng định, dự án đường Vành đai 4 có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hoá Thủ đô, tạo ra không gian phát triển mới cho Hà Nội và Vùng Thủ đô, kết nối các đường quốc lộ, cao tốc hướng tâm.

Theo ông Nam, hiện nay, đường Vành đai 3 đang đảm nhận đã quá tải. Khi có đường Vành đai 4 sẽ giảm ùn tắc cho Vành đai 3, góp phần phát triển đô thị hai bên tuyến, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Hương Quỳnh

Hà Nội ‘chốt’ chi hơn 23.500 tỷ đồng làm đường Vành đai 4HĐND TP Hà Nội thống nhất chi hơn 23.500 tỷ đồng làm 58,2km đường Vành đai 4 vùng Thủ đô. Dự kiến bố trí vốn và giải ngân các năm giai đoạn 2021 - 2025.