- “Cán bộ chiến sĩ không muốn đem nghèo khổ ra kể. Còn khó khăn nhất là thiếu thốn tình cảm, vợ con, gia đình thì muôn thủa. Đồn chúng tôi có khẩu lệnh: 1 phút bắt đầu buồn. Hết 1 phút. Khẩu lệnh: Thôi buồn”, Thượng tá Đào Đức Như - Đồn trưởng đồn biên phòng Sóc Giang, Hà Quảng, Cao Bằng chia sẻ.
Tình quân dân nơi biên giới
“Nơi sinh: Mẹ; trình độ ngoại ngữ: tiếng Kinh; trình độ văn hóa: Cách mạng…”. Câu chuyện bà con khai hồ sơ lý lịch của nhà thơ Y Phương, người con đất Cao Bằng đã thực sự gây ấn tượng với đoàn chúng tôi trên nẻo đường lên biên giới.
Thay vì khai hồ sơ nơi sinh là tỉnh này, quê kia thì những người dân ở biên giới Cao Bằng đã thật thà viết đúng chữ “Mẹ”. Nghe đến đây, chúng tôi bật cười thích thú vì đúng là ai cũng được sinh ra từ Mẹ, nhưng quan trọng hơn, ấm áp hơn lại là sự suy nghĩ đơn giản, chân thực của bà con miền biên viễn.
Thượng tá Đào Đức Như, Đồn trưởng đồn biên phòng Sóc Giang, Cao Bằng chia sẻ: "Cuộc sống người lính vất vả, xa nhà nhưng xác định đó là trách nhiệm, là nghĩa vụ. Tổ quốc gọi chúng ta lên đường”. |
Khi lên đến Hà Quảng, chúng tôi tiếp tục được Đồn trưởng Đồn biên phòng Sóc Giang - Thượng tá Đào Đức Như kể chuyện về bà con vùng cao buôn bán.
Thượng tá Như cho biết, chẳng hạn, bà con bán 10 nghìn/5 quả chanh, nhưng xế trưa người xuôi mình đi mua thì hay mặc cả 10 nghìn 7-8 quả và lý giải, quả to ngon đã được chọn hết.
Nhưng bà con không đồng ý. Nheo mắt cười thích chí, thượng tá Như kể: “Bà con bảo: “Sao mày không đi sớm?””.
Thượng tá Như còn kể câu chuyện về việc vận động bà con không chặt phá rừng. Theo cách hiểu của bà con thì dưới biển họ được bắt cá thoải mái thì trên rừng cũng tha hồ được chặt cây. Thấy vậy, bộ đội biên phòng đã phải xuống tận nhà, vừa vận động vừa tuyên truyền cho bà con hiểu.
Về tình cảm của bà con nơi biên giới thì kể nhiều ngày không hết chuyện, Thượng tá Như chia sẻ, biên phòng thì luôn phải dựa vào dân, gắn bó gần gũi với nhân dân. Với thượng tá Như, càng ở lâu với bà con càng quất quýt.
Người đồn trưởng gan dạ
Thượng tá Đào Đức Như (SN 1961), một người con của vùng đồng chiêm trũng Duy Tiên, Hà Nam đã lên biên giới Cao Bằng ngót 30 năm nay, lấy vợ sinh con rồi cũng đưa cả lên đây sinh sống.
Anh đã có 20 năm là lính trinh sát và 7 năm đứng ở cương vị đồn trưởng. Dọc biên giới Cao Bằng, chưa có nơi nào anh không đặt chân đến.
|
Thượng tá Đào Đức Như nói chuyện trong lần văn nghệ sĩ lên thăm hồi đầu năm 2015. |
Với vóc người nhỏ thó, rắn rỏi và rất nhanh nhẹn, anh vừa kể chuyện bảo vệ trật tự an ninh biên giới, vừa chia sẻ những câu chuyện về bà con nơi đó bằng sự hiểu biết, am tường và cả sự gần gũi, tình cảm như ruột thịt.
Anh Như kể, trong cuộc đời quân ngũ, anh còn nhớ mãi hình ảnh cách đây hơn chục năm. Khi đó anh cùng 6 anh em đi tuần tra ở bản Nậm Lìn, xã Trường Hà, có 6 hộ người Mông sinh sống.
Lúc đó anh ghé vào một hộ gia đình ở căn nhà tuềnh toàng, gió lùa tứ bề, nhà chỉ có 2 vợ chồng và 3 cháu nhỏ, trời thì rét căm căm mà các cháu chỉ mặc áo mỏng, không mặc quần.
Điều đáng nhớ là, dù nhà chỉ còn vài bắp ngô nhưng chủ nhà sẵn sàng ra vườn bắt con gà đang đẻ trứng duy nhất để mời bộ đội biên phòng.
“Nghèo đến thế nhưng tấm lòng thật ấm áp. Thấy cảnh tượng như vậy, tôi rơm rớm nước mắt, nói anh em còn bao nhiêu lương khô đưa hết cho họ. Giờ thì họ được nhà nước đầu tư cho xây nhà, cuộc sống cũng khấm khá hơn trước rồi”, anh Như phấn khởi nói.
Khẩu lệnh: 1 phút bắt đầu buồn
Các chiến sĩ đồn biên phòng Sóc Giang (Hà Quảng, Cao Bằng) có nhiệm vụ bảo vệ và giữ gìn an ninh biên giới ở 3 xã với 20,3km đường biên. Nơi đây có các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông và Kinh sinh sống. Đặc biệt, đây được biết đến với khu di tích quốc gia đặc biệt Pắc Pó.
Trong những năm qua, biên phòng đã góp phần không nhỏ trong việc giúp dân phát triển kinh tế. Có 4 y sĩ chuyên túc trực dưới bản khám chữa bệnh cho nhân dân biên giới. Thậm chí, tăng cường người xuống làm công tác cán bộ dưới xã để giữ gìn an ninh trật tự khu di tích quốc gia đặc biệt.
Để đảm bảo an ninh trật tự, lực lượng biên phòng đã kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tuyên truyền cho bà con những nội dung hiến pháp mới, trách nhiệm chủ quyền an ninh biên giới, chức năng nhiệm vụ của công an, biên phòng để có vấn đề gì bà con thắc mắc thì đến cơ quan công quyền sẽ được giải đáp cụ thể, thỏa đáng. Nhờ vậy, nhiều năm qua, vùng biên giới Sóc Giang này không có tụ điểm nóng.
Anh Như kể, Tết năm 2014, khi 74 Việt Kiều Bắc Mỹ về thăm, nhiều người bật khóc khi thấy hình ảnh lực lượng vũ trang thân thiện, không như những gì họ được từng được nghe, được tuyên truyền.
Thắng lợi của anh em biên phòng Sóc Giang những năm qua đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng biên giới bình yên, ổn định nhân dân yên tâm sản xuất và không nao núng.
“Hãy yên tâm và tin tưởng”, lời nói kiên định của người đồn trưởng khiến chúng tôi thấy thật ấm lòng và cảm động. Với vẻ mặt tươi vui và vững niềm tin, anh Như nói: “Bà con hãy yên tâm và tin tưởng. Quân và dân ở biên giới cũng rất yên ổn và sẵn sàng hy sinh bảo vệ Tổ quốc”.
Về tinh thần của các chiến sĩ, Thượng tá Như khẳng định: “Luôn đoàn kết nhất trí, dù cơ chế thị trường có tác động nhưng rất nhỏ. Dù có đầy đủ các thông tin trên mạng nhưng luôn định hướng rõ ràng. Cuộc sống người lính vất vả, xa nhà nhưng xác định đó là trách nhiệm, là nghĩa vụ. Tổ quốc gọi chúng ta lên đường”.
Anh Như cũng thẳng thắn chia sẻ: “Cán bộ chiến sĩ không muốn đem nghèo khổ ra kể. Còn khó khăn nhất là thiếu thốn tình cảm, vợ con, gia đình thì muôn thủa, nhưng điều đó bình thường thôi”. Nói đến đó, anh Như dẫn ví dụ: “Đồn chúng tôi có khẩu lệnh: 1 phút bắt đầu buồn. Hết 1 phút. Khẩu lệnh: Thôi buồn”.
Chia tay những người lính biên viễn, chúng tôi còn nhớ mãi câu thơ trong bài Đất nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm mà Thượng tá Đào Đức Như rất nhớ và tâm đắc đọc cho chúng tôi nghe. Đó là:
“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng…”.
Đó chính là niềm tin, là tinh thần cách mạng và yêu nước rất cao từ xa xưa.
Đồn biên phòng Sóc Giang vinh dự và tự hào là vùng đất có Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó. Có 3 xã biên giới với 31 bản, trong đó có 10 bản giáp biên. Có hơn 1.242 hộ dân, có hơn 20km đường biên, gồm các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông và Kinh. Cộc mốc biên giới 108 được giữ nguyên vẹn (theo thay đổi sẽ phải là số 675). Đồn biên phòng có 55 cột mốc quốc giới, trong đó 41 cột chính 14 cột phụ. Đồn biên phòng Sóc Giang đã được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. |
Bảo Anh