Sinh ra và lớn lên tại làng chài ven biển thuộc xã Hải Chính, huyện Hải Hậu (Nam Định), anh Nguyễn Văn Bình (SN 1983) đã quen với cuộc sống mưu sinh gắn liền với biển, từ làm muối đến đánh bắt cá. Lớn lên, sau khi học Trung cấp Thủy sản, anh quyết định về quê bám biển, nối nghiệp gia đình làm diêm nghiệp.
“Tôi về quê cùng bố mẹ làm diêm nghiệp. Ngày đó, muối chỉ bán được 200-300 đồng/kg mà công việc vô cùng vất vả. Đi ra đồng từ lúc còn tờ mờ sáng để làm muối, cứ khi nào nắng nhất thì mình lại ra đồng. Có hôm, chuẩn bị thu muối thì trời lại đổ mưa, mất hết cả. Ngày nhiều nhất, cả nhà làm chỉ được 50-60.000 đồng”, anh Bình nhớ lại.
Quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương đã thôi thúc anh Bình khởi nghiệp chỉ với 25 triệu đồng. |
Vất vả từ sáng đến đêm, thế nhưng nghề làm muối chỉ có thể làm vào mùa nắng, kéo dài từ 4-5 tháng, còn lại là mùa mưa bão. Không làm muối, anh Bình lại cùng bố mẹ làm đủ nghề để kiếm tiền, từ ra biển đánh bắt cá đến đi phụ xây, trồng rau củ. Cuộc sống vất vả với nguồn thu nhập bấp bênh khiến anh đau đáu ý định làm giàu.
Năm 2008, tìm hiểu trên sách báo kết hợp với những kiến thức đã được học tại trường thủy sản, với 25 triệu trong tay, anh tiến hành thuê người múc 3.000m2 đất ruộng ven biển để làm ao thả cá vược và tôm sú. Vụ đầu tiên, anh thu về được 35 triệu đồng.
“Thời điểm đó, nếu đi làm thuê cả năm cũng chỉ được khoảng 10 triệu đồng mang về, vậy mà chỉ thả cá, thả tôm, trừ các chi phí tôi thu về 35 triệu nên sướng lắm. Có tiền, tôi lại thuê người múc đất, làm ao, mở rộng diện tích lên 1,3 ha để nuôi cá mú, cá vược, tôm thẻ và tôm sú”, anh Bình cho biết.
Mỗi năm, anh Bình thu hoạch được hơn 3 tấn cá nước mặn. |
Tận dụng lợi thế gần bờ biển, thức ăn nuôi tôm và cá được anh Bình mua với giá rẻ, luôn tươi mới nên lứa cá nào cũng khỏe mạnh và lớn nhanh như thổi. Để tránh mưa bão, anh Bình quy hoạch khu nuôi theo kiểu khép kín. Mùa đông anh tiến hành làm cọc,trùm bạt,trùm lưới chống rét, đồng thời làm bờ thật cao để mùa mưa lũ không bị tràn mất cá.
Nhờ đầu tư bài bản, hợp lý và khoa học, mỗi năm anh Bình thu hoạch được khoảng 3 tấn cá mú, cá vược và hơn 4 tấn tôm sú, tôm thẻ. Với giá bán trung bình từ 180-200.000 đồng/kg các loại, trung bình doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí, anh thu về được từ 300-400 triệu đồng.
Riêng doanh thu từ nuôi tôm và cá ước đạt hơn 1 tỷ đồng/năm, trừ chi phí còn khoảng 300-400 triệu đồng. |
Nhận thấy các loại thủy hải sản do bà con làm ra phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường, giá cả không ổn định, nhiều khi còn bị thương lái ép giá nên anh Bình đứng ra vận động các hộ dân trên địa bàn để thành lập Hợp tác xã vào năm 2018.
Với 13 thành viên nuôi trồng và 15 thành viên liên kết đánh bắt, HTX do anh Bình làm Giám đốc đã tập trung làm nhà xưởng có đầy đủ dây chuyền chế biến hiện đại, từ máy đánh vảy, máy tách xương, máy xay, máy tạo hình, máy chiên và đóng gói, hút chân không để làm các sản phẩm như chả cá, chả mực, cá thu cắt lát, tôm nõn.
Mỗi năm, với 12 ha mặt nước, HTX thu hoạch được khoảng 40 tấn nuôi cá vược, cá mú, cá rô phi nước mặn và hơn 60 tấn tôm sú, tôm thẻ. Ngoài ra, HTX cũng cung cấp ra thị trường khoảng 5 tấn chả mực, 8 tấn chả cá, tạo công ăn việc làm cho 20-30 lao động địa phương làm việc tại xưởng sản xuất.
Một số sản phẩm của HTX do anh Bình làm Giám đốc đã được đưa vào các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch. |
Nhờ liên kết với nhau nên các sản phẩm người dân làm ra được thu mua với giá ổn định hơn, tránh trường hợp được mùa mất giá và ngược lại.
“Đơn cử như những tháng vừa qua, khi cá mú xuống thấp chỉ còn 120.000 đồng/kg, toàn bộ thành viên HTX thống nhất không bán mà để lại nuôi, hỗ trợ nhau kỹ thuật, thức ăn nên dịp này có cá bán với giá cao”, anh Bình cho hay.
Tôm, cá của ngư dân đánh bắt ngoài biển được thu mua trực tiếp để chế biến; đầu cá, vảy cá, vỏ tôm dư thừa trong quá trình làm chả cá và tôm nõn lại được xay nhỏ làm thức ăn cho cá, tận dụng triệt để trong nuôi trồng, đánh bắt và chế biến giúp tạo lợi nhuận cao hơn.
Nhờ sản xuất với số lượng lớn, làm thương hiệu cho từng sản phẩm mình làm ra nên HTX đã kí kết hợp tác được với những đơn vị phân phối lớn trong cả nước. Trong đó có chả cá và chả mực của HTX đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao và đưa vào các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trong cả nước.
(Theo Dân Việt)