Nếu được bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên, những chiếc ôtô hiện nay có thể chạy nhiều vạn km mà không gặp phải hỏng hóc lớn nào. Tuy nhiên, sự sụt giảm về hiệu năng hoàn toàn có khả năng xảy ra khi một số linh kiện của xe hao mòn và bám bẩn theo thời gian.
Trong trường hợp này, một trong những phương án xử lý thường được nhắc tới là vệ sinh muội than buồng đốt động cơ. Vậy phương pháp này là gì, thực hiện ra sao và có thực sự hiệu quả?
Tại sao cần vệ sinh muội than động cơ?
Động cơ xăng và diesel hoạt động bằng cách đốt cháy đốt cháy hoà khí. Trong quá trình xe vận hành, sẽ có một lượng xăng/diesel nhỏ không đi vào xi-lanh sau khi phun nhiên liệu hoặc hoà khí không được đốt cháy hoàn toàn. Hợp chất sót lại này, sau một thời gian cháy ở nhiệt độ cao sẽ hình thành muội than. Tình trạng này dễ xảy ra hơn khi xe thường xuyên chạy ở tốc độ thấp với vòng tua máy không cao.
Bám muội than làm giảm hiệu năng xe và tiêu tốn nhiêu liệu. |
Muội than thường xuất hiện trong động cơ và hệ thống xả. Với động cơ, đó là các chi tiết như vòm buồng đốt, kim phun nhiên liệu, bugi (động cơ xăng), các xupap nạp/xả hay các piston. Điều này khiến xe sụt giảm hiệu năng và tiêu tốn nhiên liệu hơn.
Dù ít đọng muội than hơn động cơ diesel, động cơ xăng, đặc biệt các loại dùng công nghệ phun xăng trực tiếp (Gasoline Direct Injection - GDI) vẫn tiềm tàng khả năng bị bám muội than. Nhất là khi chất lượng xăng không đảm bảo, lẫn nhiều tạp chất.
Theo khuyến cáo, vệ sinh muội than nên được thực hiện sau mỗi 10.000-20.000 km, tuỳ điều kiện vận hành và chất lượng nhiên liệu sử dụng.
Các phương pháp vệ sinh muội than động cơ
Các đơn giản nhất và tiết kiệm chi phí nhất là sử dụng các chất phụ gia vệ sinh động cơ. Chất phụ gia này chỉ cần đổ vào xe cùng nhiên liệu và được chia làm hai loại: vệ sinh khi muội than đã hình thành và xúc tác tăng hiệu quả đốt cháy nhiên liệu, giúp ngăn ngừa việc hình thành muội than.
Nếu tình hình không cải thiện, xe sẽ cần được đưa đến các xưởng sửa chữa để kiểm tra và khắc phục. Nhiều gara hiện nay có các thiết bị camera để thực hiện "nội soi" động cơ, qua đó xác định rõ ràng tình trạng bám muội than và đưa ra cách xử lý phù hợp.
Một mẫu máy vệ sinh buồng đốt bằng khí Hydrogen. |
Đầu tiên là phương pháp vệ sinh buồng đốt bằng khí Hydrogen, sử dụng máy chuyên dụng. Máy điện phân nước thành khí H2 và O2, hỗn hợp khí này đi vào buồng đốt, sau đó lại được đốt cháy tạo thành nước, sản sinh nhiệt lượng cao (xấp xỉ 3.000 độ C), giúp triệt tiêu và đẩy muội than ra qua đường ống xả.
Giải pháp cuối cùng và phức tạp nhất là "bổ" máy. Các chi tiết động cơ được tháo rời để vệ sinh thủ công. Phương pháp này đem lại hiệu quả cao nhất, tuy nhiên tốn nhiều thời gian và chi phí. Bên cạnh đó, "bổ" máy cũng làm giảm giá trị xe rất nhiều.
Nhìn chung, việc vệ sinh muội than động cơ là cần thiết, đặc biệt trong điều kiện giao thông và môi trường tại Việt Nam. Người dùng nên chú ý tới những thay đổi về hiệu năng vận hành và mức tiêu thụ nhiên liệu của xe. Từ đó sớm đưa ra giải pháp xử lý, tránh mất nhiều thời gian và tiền bạc.
Theo news.zing.vn