Xã Quảng Lập (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) là một trong những địa phương đi đầu trong việc triển khai thực hiện chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới tại địa phương, góp phần đưa huyện Đơn Dương, là một trong 4 huyện đầu tiên của cả nước, được công nhận huyện nông thôn mới vào tháng 9/2015. Đến tháng 4/2021, Quảng Lập tiếp tục được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh năm 2020 theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Xã Quảng Lập có 5 thôn: Quảng Tân, Quảng Hiệp, Quảng Hòa, Quảng Thuận và Quảng Lợi. Trong đó, thôn Quảng Hoà là địa bàn đầu tiên của huyện Đơn Dương được chọn xây dựng mô hình “Thôn thông minh” vào tháng 3/2023. Tại đây, xã Quảng Lập đã triển khai thực hiện 6 tiêu chí mô hình Thôn thông minh giai đoạn 2021-2025, gồm hạ tầng kết nối internet, sử dụng thiết bị thông minh, xã hội, y tế, giáo dục, môi trường.
Mô hình thôn thông minh là 1 trong 4 tiêu chí của xã nông thôn mới kiểu mẫu. Để đạt tiêu chí này, thôn cần có ít nhất một mô hình ứng dụng chuyển đổi số để sản xuất hàng hóa, ứng dụng quản lý tự động hóa. Trong đó, thôn có tổ công nghệ số cộng đồng; đại diện thôn có ứng dụng các nền tảng số để thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin, tiếp nhận và xử lý kịp thời phản ánh kiến nghị của người dân trong cộng đồng thôn; nhà văn hóa thôn được trang bị mạng wifi miễn phí; 100% trụ sở cơ quan, tổ chức và hộ dân trong thôn được gắn địa chỉ số trên nền tảng địa chỉ số Việt Nam (Vpostcode); 100% sản phẩm OCOP của địa phương được đưa lên sàn thương mại điện tử; có ít nhất 1 mô hình ứng dụng chuyển đổi số vào một trong các lĩnh vực.
Thôn Quảng Hòa hiện có 210 hộ với 938 khẩu, trong đó 70% người dân sản xuất nông nghiệp, hướng đến nông nghiệp công nghệ cao. Hầu hết các gia đình trong thôn đều có ít nhất 1 điện thoại thông minh, các gia đình đều lắp đặt mạng internet tốc độ cao.
Đến nay, chỉ sau hơn 1 năm triển khai, thôn thông minh Quảng Hoà đã có nhiều thay đổi bất ngờ. Thôn đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng; tạo lập kênh giao tiếp giữa Ban điều hành thôn và người dân thông qua mạng xã hội như zalo, facebook,... để kịp thời tuyên truyền, trao đổi các vấn đề liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội địa phương, các chủ trương của Đảng và Nhà nước, cũng như tiếp cận những phản ánh của Nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn thôn. Ngoài ra, thôn đã lắp đặt thêm camera an ninh, phủ sóng hệ thống đèn năng lượng mặt trời chiếu sáng tất cả các tuyến đường, điều khiển bằng điện thoại thông minh.
Việc trao đổi, kết nối giữa ban điều hành thôn và người dân hiện nay hầu hết đều thực hiện trên máy thông qua các nhóm Zalo, Facebook….; nhiều việc liên quan đến quản lý địa bàn cũng được thao tác trên điện thoại như việc điều chỉnh hệ thống chiếu sáng, loa phát thanh…
Đến thôn Quảng Hoà mới thấy, các con đường dẫn vào thôn đã được “số hoá” với hạ tầng viễn thông đầu tư bài bản, những mảnh vườn nông nghiệp được người dân trong thôn áp dụng công nghệ cao; người dân giao dịch mua bán đa thực hiện thanh toán hóa đơn qua mạng,.... Hiện các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể trong thôn cũng đã đăng ký tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử như postmart.vn, agri-postmart.vn... để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lập Nguyễn Thị Điềm Dương, từ mô hình điểm xã triển khai tại thôn Quảng Hòa, người dân trong xã đã thấy rõ được lợi ích của việc xây dựng thôn thông minh, từ đó đồng tình, tích cực hưởng ứng.
Xã Quảng Lập cố gắng đầu tư xây dựng để tiếp tục ra mắt thêm mô hình "Thôn thông minh" tại Quảng Hiệp và sau đó tiếp tục nhân rộng ra các thôn khác.
Việc xây dựng mô hình thôn thông minh nhằm hoàn thiện chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số hỗ trợ việc điều hành chính quyền cấp xã “thông minh hơn”, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an toàn trật tự ở nông thôn; ứng dụng khoa học công nghệ số để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh, tăng giá trị nông sản và mở rộng giao dịch trên mạng internet đến cơ sở, từng bước cải thiện các điều kiện kinh tế - xã hội.
Từ đó, góp phần thu hẹp dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, là tiền đề để hướng tới mô hình “xã nông thôn mới thông minh”, góp phần xây dựng địa phương ngày càng văn minh, hiện đại.