Zing tổng hợp bài đăng trên CGTN, SCMP và The Hindu về xu hướng lựa chọn tương tác với người khác trên mạng xã hội, thay vì tiếp xúc ngoài đời của giới trẻ nhiều nước châu Á.
Đối với nhiều người trẻ Trung Quốc, sự tương tác trực tiếp giữa con người với nhau không nằm trong danh sách hoạt động hàng ngày của họ.
Theo một cuộc khảo sát gần đây của truyền thông quốc gia này, mặc dù thế hệ trẻ có thể không cảm thấy thoải mái khi tham gia vào các hoạt động xã hội ngoài đời thực, không phải tất cả họ đều cô đơn.
Hầu hết thế hệ Millennials (những người sinh từ năm 1981 đến năm 1996) và Gen Z (những bạn trẻ sinh ra từ giữa thập niên 90 đến đầu những năm 2000) ở đất nước tỷ dân cho biết họ có ít nhiều triệu chứng ám ảnh sợ xã hội.
Trong số 2.532 đối tượng tham gia khảo sát, chỉ 69 cá nhân tin rằng họ không gặp vấn đề gì khi tương tác với mọi người trong thế giới thực. 97% cho biết họ tránh các hoạt động xã hội ít nhất một lần, do sợ hãi, lo lắng hoặc buồn chán.
Nhiều người trong số này nói họ thích ở một mình, xây dựng các mối quan hệ trên mạng xã hội và tìm kiếm niềm vui từ thế giới ảo.
Không chỉ ở Trung Quốc, thế hệ trẻ tại nhiều nước châu Á ngày nay có xu hướng lựa chọn tương tác với người khác trực tuyến, thay vì tiếp xúc ngoài đời. Theo các chuyên gia, các công cụ truyền thông xã hội đã định hình cách giới trẻ kết nối với thế giới.
Một cuộc khảo sát cho thấy nhiều thanh niên Trung Quốc thích sống một mình, xây dựng các mối quan hệ trên mạng xã hội và tìm kiếm niềm vui từ thế giới ảo. Ảnh: VCG. |
Thế hệ ít kết nối
Millennials và Gen Z ở Trung Quốc chứng kiến những thay đổi lớn của đất nước. Họ khác với thế hệ cha mẹ mình về các hành vi và giá trị xã hội.
Hầu hết người thuộc 2 thế hệ này lớn lên trong những năm 1990, theo chính sách một con, trong khi cha mẹ bận rộn tham gia vào quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế của đất nước.
Sự xuất hiện của các thành phố cũng khiến nhiều đại gia đình theo truyền thống của Trung Quốc trở thành những đơn vị nhỏ hơn, chỉ bao gồm cha, mẹ và một con.
Các chuyên gia lập luận rằng thế hệ trẻ ngày nay có thể cảm thấy ít kết nối cá nhân hơn với người thân, bạn bè và hàng xóm.
Mặt khác, Millennials và Gen Z sành Internet vì họ bắt đầu sử dụng điện thoại di động, các công cụ nhắn tin và tìm kiếm khi còn rất trẻ. Các ứng dụng, nền tảng mạng xã hội thâm nhập vào mọi ngóc ngách, bao trùm cuộc sống hàng ngày của họ 24/7, đáp ứng mọi nhu cầu từ kết bạn, học tập đến làm việc, mua sắm.
Bởi vậy, các công cụ truyền thông xã hội đã định hình cách thế hệ trẻ ở đất nước tỷ dân kết nối với thế giới. Cụ thể, so với việc gặp gỡ bạn bè ở một địa điểm ngoài đời thực, họ thích tiếp cận với người khác và giải quyết mọi chuyện trên thế giới ảo.
Ví như thay vì dành 3 giờ lái xe trên đường để gặp mặt bạn bè sau một tuần làm việc quá sức, họ sẽ chọn ở nhà và trò chuyện với mọi người thông qua công cụ nhắn tin.
Thế hệ này đánh giá cao sự tiện lợi do công nghệ mang lại, song đồng thời đánh mất cơ hội hiểu được sức hấp dẫn của các tương tác trực tiếp giữa con người với nhau.
Jing Tian, sinh viên năm cuối tại Đại học Bắc Kinh, nói: “Chúng tôi không sợ tiếp xúc xã hội, chỉ là không thường xuyên gọi điện hoặc gặp gỡ ai đó ngoài đời khi mọi thứ có thể được thực hiện qua WeChat, email. Điều quan trọng là giữ khoảng cách xã hội thích hợp và để lại không gian, sự tự do cho nhau”.
Với những gì phải bỏ ra trong cuộc sống thực, người trẻ thích tận hưởng cuộc sống hối hả và nhộn nhịp trên mạng. Ảnh: VCG. |
Shunsuke Aoki - người sáng lập công ty chế tạo robot Yukai Engineering có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản) - chú ý đến hiện tượng rằng những năm gần đây, ngày càng nhiều người trẻ từ Nhật Bản, Hàn Quốc đến Hong Kong (Trung Quốc) mua robot để bầu bạn.
“Sự cô đơn là vấn đề lớn ở Nhật Bản, ngay cả đối với thế hệ trẻ”, Aoki nhận định.
Ông nói thêm: “Họ trở nên cô đơn hơn dù có thể sử dụng smartphone để tương tác với người khác, chủ yếu qua hình ảnh. Thường trong cuộc trò chuyện, chỉ 40% thông tin được truyền đạt thông qua ngôn ngữ, 60% còn lại ở dạng không lời”.
Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Quốc gia về Dân số và An sinh Xã hội Nhật Bản vào năm 2018, đến năm 2040, cứ 2 trong 5 hộ gia đình ở xứ sở hoa anh đào sẽ có một người sống một mình.
Công nghệ truyền thông từ xa và mạng xã hội ngày càng thay thế các tương tác mặt đối mặt. Người trẻ sống ở các thành phố lớn thường thiếu ý thức cộng đồng vì tỷ lệ chọn cuộc sống cô đơn ngày càng cao.
Vấn đề sức khỏe tâm thần
Theo nhà xã hội học và tâm lý học nhân cách Sherry Turkle, con người luôn muốn tiết kiệm thời gian và tránh rắc rối. Tuy nhiên, “khi các gia đình quây quần bên nhau mà không có sự giao tiếp từ trái tim, học sinh tiếp tục trò chuyện online trong lớp học và những người yêu nhau ngại nói ‘Anh yêu em’ trừ lúc ở trên mạng xã hội, chúng ta gọi đó là ‘cùng cô đơn’”.
Turkle cho rằng kiểu tương tác qua mạng xã hội cho thấy mọi người có thể đang sống trong bong bóng của chính mình. Họ sử dụng cách này để giữ kết nối không ngừng với thế giới thực dù cảm thấy sự xa cách sâu sắc hơn.
Các buổi livestream và phòng trò chuyện trên mạng dễ khiến cho người ta dường như đang có tương tác xã hội. Tuy nhiên, nó cũng có thể vô thức "nhốt" nhiều người trẻ vào một vòng tròn chật hẹp, cực đoan và cô lập.
“Trong 2 năm qua, tôi từ chối kết bạn với bất kỳ người nào trong thế giới thực. Tôi chỉ sống thật với con người của mình, nhưng đồng thời cũng đánh mất bản thân”, Yitan, cư dân mạng thuộc thế hệ Gen Z ở Trung Quốc, chia sẻ.
Theo người này, việc bước ra khỏi vùng thoải mái để đón nhận kết nối thực sự với con người ngoài đời là chìa khóa để giải quyết những ám ảnh xã hội.
“Bạn có thể gặp căng thẳng, buồn phiền và rắc rối, nhưng những cảm xúc này hoàn toàn tạo thành một thế giới thực. Trong khi đó, sự thoải mái đơn thuần mà bạn tìm thấy trên mạng xã hội không thể giúp bạn có những cảm giác chân thực như thế”, Yitian nói.
Người trẻ sử dụng mạng xã hội để giữ kết nối không ngừng với thế giới thực dù cảm thấy sự xa cách sâu sắc hơn. Ảnh: Reuters. |
Theo The Hindu, sự cô đơn ở những người trẻ thành thị tại Ấn Độ hiện nay là vấn đề sức khỏe tâm thần không được chú ý một cách đáng kể.
Những người sành mạng xã hội ở độ tuổi 20-30, sống trong các thành phố chật chội ngày càng cảm thấy không thể kết bạn, bị cô lập và chán nản. Tệ hơn, họ không nhận ra sự cô đơn có khả năng hủy hoại bản thân thế nào nên không tìm đến sự giúp đỡ cho đến khi quá muộn.
Tiến sĩ Venkatesh Babu - bác sĩ tâm lý tại Bệnh viện Fortis, Bengaluru - nhấn mạnh sự cô đơn vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả của các rối loạn sức khỏe tâm thần.
Ông nói: “Những người trẻ có xu hướng tham gia vào các loại hành vi khác nhau xuất phát từ cảm giác cô đơn. Họ có thể đắm chìm vào các nền tảng mạng xã hội, sử dụng chất kích thích hay có những hành vi liều lĩnh như chạy xe quá tốc độ. Chỉ một số ít trường hợp, sự cô đơn có thể dẫn đến việc thay đổi lối sống như tham gia các lớp học thể dục, tìm kiếm cuộc phiêu lưu ngoài trời”.
Tiến sĩ Raghu Krishnamurthy - bác sĩ tâm lý tại Bệnh viện Toàn cầu BGS Gleneagles, Bengaluru - đồng tình: “Mọi người thích ở trong nhà và tương tác trên mạng xã hội. Điều này khiến việc tương tác mặt đối mặt dường như là quá trình mệt mỏi và không có giá trị”.
Chuyên gia này cảnh báo giá trị của các tương tác xã hội không thể bị đánh giá thấp. “Khi trẻ em lớn lên trong lối sống cô lập, ngại tương tác ngoài đời thực, chúng có thể gặp nhiều cản trở về mặt cảm xúc”, ông nói.
(Theo Zing)
Trước khi có Google, cư dân mạng tiến hành tìm kiếm như thế nào?
Trước thời Internet, người ta có thể đi hỏi chuyên gia hoặc ngồi tra cứu tài liệu trong thư viện. Đến khi có được cái tiện dụng của không gian mạng nhưng Google lại chưa ra đời, cư dân mạng đã tìm kiếm ra sao?