Muốn biết lòng dạ một người phụ nữ hãy đợi khi đàn ông tay trắng, còn muốn biết chân tâm của đàn ông hãy đợi khi anh ta có mọi thứ trong tay. Đàn ông lúc nghèo thì thề thốt, hứa hẹn đủ đường. Nhưng rồi tới khi giàu có thì việc nhiều đàn ông làm đó là đổi vợ. Người đàn ông năm ấy hứa sẽ bảo vệ người phụ nữ của mình, giờ đang bảo vệ cho cô gái khác. Vì sao lại như vậy?
1. Cuộc sống mất đi mục tiêu phấn đấu, đàn ông dễ rơi vào cái bẫy mang tên "ngoại tình"?
Có người từng nói, khi xã hội phát triển đến một mức độ ai cũng có nhà, có xe thì đó chính là xã hội lý tưởng nhất. Nhưng trên thực tế thì quan điểm này chưa hẳn đúng. Khi cuộc sống chỉ còn sự hưởng thụ, không có thử thách và khổ cực thì con người ai cũng sẽ sinh ra trạng thái lười nhác và ỷ lại.
Ông bà xưa có câu "nhàn cư vi bất thiện" cũng chính là đạo lý này. Bằng chứng là rất nhiều người đàn ông từ lúc kết hôn cho đến tuổi trung niên luôn ra sức phấn đấu cũng là vì áp lực cuộc sống, vì mục tiêu tạo dựng cho gia đình sung túc hơn. Nhưng đến khi họ có nhà, có xe và kinh tế ổn định thì đột nhiên không tìm được phương hướng mà tiến nữa, mất đi động lực cố gắng, cảm thấy cuộc sống vô vị.
Cũng từ đây, đàn ông rơi vào cái bẫy mang tên "ngoại tình", bởi những thú vị trong mối quan hệ ngoài luồng có thể kích thích cuộc sống họ trở nên mới mẻ hơn.
2. Thích chinh phục
Bản tính hiếu thắng thì phái mạnh trong ai cũng có, nay đứng trước một cô nàng trẻ đẹp thì lại càng có mục tiêu để chinh phục. Từ xưa có câu "đàn bà ham tài – đàn ông ham sắc".
Việc vượt qua các vệ tinh khác để có được giai nhân thì điều đó là thành công tình trường đáng tự hào nhất của cánh mày râu. Đó là sự vuốt ve lòng kiêu hãnh khi là người có được chiến thắng!
3. Sự mới lạ
Đàn ông thích sự mới lạ, với người vợ đã quá "tỏ đường đi lối về", hàng ngày nhìn thấy bộ quần áo ở nhà theo phong cách vừa đi chợ, vừa đi làm, vừa lên giường, mặt mũi mộc mạc; tay bỉm tay sữa, chân còn lau nhà thì dù nhìn thân thương, cảm động đến mấy trái tim cũng giảm đi ít nhiều rung cảm như thuở ban đầu.
Còn "phía bên kia chiến tuyến" thì mới mẻ với nhiều điều bất ngờ liên tục diễn ra chưa được khám phá, khiến họ dễ đắm chìm trong mê say. Chưa kể họ còn rơi vào ảo giác "hạnh phúc" kèm theo cảm giác hồi hộp, lo âu sợ vợ hay người quen phát hiện lại càng khiến cho bồ trở nên là người đặc biệt không thể thiếu.
Đây là lý do muôn thuở và cơ bản nhất.
4. Quyền lực là yếu tố thúc đẩy ngoại tình mạnh hơn so với gene
Một nghiên cứu tại Mỹ cho biết so với người bình thường, thì người có quyền lực thường là đã hoặc muốn ngoại tình nhiều hơn. Theo Livescience, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng quyền lực có mối liên quan đến sự tự tin và những người có sự tự tin cao thường có xu hướng "lầm đường lạc lối".
So với quyền lực, yếu tố gene dường như chỉ tạo ra một sự khác biệt nhỏ.
Người có quyền lực thường tự cho mình cái quyền được ngoại tình, họ coi đó chính là thành quả họ đáng có được sau một quá trình nỗ lực đạt được thành quả.
5. Trở nên hư đốn để "giống người ta"
Nhiều người đàn ông không phải tự nhiên muốn thay lòng đổi dạ. Có một nguyên nhân khách quan là họ nhìn thấy hoặc tiếp xúc với một số người có tiền thường đi hưởng thụ ở quán bar, tụ điểm ăn chơi… thế là sau khi có chút năng lực tài chính, họ cảm thấy mình cũng nên như vậy.
Lúc này nếu trong những buổi tụ tập, bạn bè hay đồng nghiệp tự tin dẫn theo cả tình nhân, hoặc là trong việc làm ăn hai bên còn hợp tác với nhau thì một số người sẽ khó tránh phải "hòa nhập" cho thân thiện với mọi người. Lần một rồi lần hai, họ bắt đầu mất đi cảm giác tội lỗi với vợ và có thể "cặp bồ" như một lẽ tự nhiên của người đàn ông có tiền.
Theo Gia đình & Xã hội