Tôi là một người mê xem phim. Trước đây, tôi hay đọc các bài báo của các nghệ sĩ nói về lý do phim Việt Nam yếu kém so với thế giới. Nào là phim Việt ít được đầu tư, nào là chúng ta không có công nghệ, nào là khán giả không ủng hộ,… Nhưng nói thật là tôi chưa bao giờ bị thuyết phục bởi các lập luận này, nó hời hợt và chỉ là bề nổi, chưa phải là lý do sâu xa. 

Một số nghệ sĩ thường đòi hỏi Nhà nước phải có cơ chế, chính sách cho hoạt động điện ảnh, nhưng khi dùng từ “cơ chế, chính sách”, có lẽ họ muốn nói đến tài chính, hay tiền. Không phủ nhận, cấp tiền cũng là một dạng chính sách, nhưng đó là chính sách cản trở hơn là thúc đẩy phát triển. Kinh nghiệm của nhiều ngành khác cho thấy, còn cho tiền là còn chậm lớn. “Cần câu hơn xâu cá” mà.

Là người chuyên nghiên cứu, phản biện chính sách, tôi nhận ra rằng, chính sách chiếm ít nhất 50% thành công hay thất bại của một ngành công nghiệp nào đó, kể cả công nghiệp giải trí. Gần đây, khi nghiên cứu chính sách trong ngành điện ảnh, tôi cho rằng phim Việt Nam thua kém thế giới là do chính sách của chúng ta. 

{keywords}
Kong: Skull Island là một trong số rất ít phim nước ngoài được quay tại VN

Chính sách trong ngành điện ảnh của Việt Nam có mấy điểm sau cản trở sự phát triển của điện ảnh trong nước. 

Thứ nhất, hạn chế sự giao lưu của những người làm điện ảnh trong và ngoài nước. Người ta đặt ra những thứ giấy phép khá kỳ khôi như hãng phim nước ngoài đến Việt Nam mở văn phòng đại diện thì phải xin phép Bộ Văn hoá, ngoài việc phải xin phép Sở Công Thương. Một hãng phim nước ngoài đến Việt Nam hợp tác với nhà sản xuất trong nước để quay phim thì phải nộp kịch bản cho Bộ Văn hoá thẩm định. Cơ quan này có đồng ý thì hãng phim nước ngoài mới được làm phim. 

Chúng ta hãy thử đặt mình vào vị trí của hãng phim nước ngoài, nếu họ muốn làm một bộ phim lấy cảnh quay ở Châu Á, họ sẽ đến Việt Nam hay đến Thái Lan? Đến Việt Nam, họ phải xin phép lên xin phép xuống, thậm chí bị yêu cầu chỉnh sửa kịch bản, hoặc không cho vào. Còn đến Thái Lan thì được ưu tiên cấp visa, tạo điều kiện thủ tục hải quan mang máy móc thiết bị vào, được ưu đãi thuế. 

Người đặt ra những giấy phép đó chắc lo ngại nước ngoài vào quay cảnh gì đó không đẹp của Việt Nam rồi chiếu cho cả thế giới thấy, làm xấu đi hình ảnh đất nước. Nhưng chính cái nỗi sợ mơ hồ đó khiến người ta đặt ra rào cản và rồi thì kể cả những cái đẹp của Việt Nam cũng khó mà được thế giới thấy. 

Cảnh quay mới chỉ là một vấn đề nhỏ. Quan trọng hơn là sự hợp tác giữa những nhà làm phim trong nước và nước ngoài trong cùng một dự án để chúng ta có thể học hỏi kỹ thuật, kỹ năng, phương pháp quản lý, công nghệ thì cũng sẽ bị cắt đứt. 

Chúng ta có quy định về hạn mức chiếu phim Việt tại các rạp và trên truyền hình. Quy định này học của nhiều nước khác. Nhưng trong điện ảnh, số lượng luôn chỉ là thứ yếu so với chất lượng. Số lượng phim Việt có thể vẫn nhiều, nhưng chất lượng phim của chúng ta rất hiếm khi lôi được người xem đến rạp, chứ chưa muốn nói đến việc vượt ra ngoài biên giới đến với khán giả nước ngoài. 

Thứ hai, kiểm duyệt phim thái quá. Phim là công việc đòi hỏi sáng tạo, và không có gì giết chết sáng tạo nhanh bằng kiểm duyệt. Tôi hiểu rằng, kiểm duyệt nội dung là điều mà bất kỳ nước nào cũng có, kể cả tự do như Mỹ thì cũng cần có kiểm duyệt để dán nhãn phim bảo vệ trẻ em khỏi những cảnh khiêu dâm, bạo lực. Phim ở Thái Lan cũng bị kiểm duyệt để ngăn cản những nội dung xúc phạm nhà vua. Nhưng kiểm duyệt ở Việt Nam bị thái quá ở 2 điểm, độc quyền và tuỳ tiện.

Thứ nhất, Bộ Văn hoá, Cục Điện ảnh thành lập Hội đồng thẩm định phim trước khi cho phép chiếu. Hội đồng này độc quyền trong việc cho phim nào ra rạp, phim nào không. Sự độc quyền mà quyền lực lại định tính này khiến những nhà làm phim sống dở chết dở. 

Nó khác với lĩnh vực xuất bản, nếu bạn viết sách, mang đến nhà xuất bản A mà bạn thấy họ làm việc không tốt thì bạn có thể mang đến nhà xuất bản B. Dù chưa thực sự cạnh tranh hoàn hảo, những có cạnh tranh vẫn khiến các nhà xuất bản phải phục vụ tốt hơn. 

Thứ hai, đáng ra, mục đích của việc kiểm duyệt là loại bỏ những nội dung không phù hợp như khiêu dâm, bạo lực, thù địch… Việc kiểm duyệt không nhằm đánh giá hay dở (dở mà không khiêu dâm, bạo lực vẫn phải được qua), cũng không đánh giá tính chính xác khi phản ánh lịch sử hay xã hội (miễn là không có mục đích thù địch). 

Đỉnh điểm của phạm vi kiểm duyệt rộng là việc cấm chiếu phim Bụi đời chợ Lớn, với lý do bộ phim có nội dung phản ánh các băng nhóm xã hội mà lại không có sự can thiệp của chính quyền, cảnh sát, như vậy là làm xấu đi hình ảnh của Sài Gòn. Còn với những bộ phim khác thì chuyện cắt cảnh, bắt sửa lời thoại với những lý do giời ơi đất hỡi diễn ra thường xuyên. 

Một phần lý do của việc phạm vi kiểm duyệt quá rộng là do thành phần kiểm duyệt gồm cả những nghệ sĩ hoặc những người vốn là nghệ sĩ. Họ nhìn bộ phim với con mắt của nhà phê bình, cố gắng nhìn ra điểm chưa đạt của nó để chỉnh sửa. Họ không giữ tư duy của một người bảo vệ lợi ích công cộng, cố gắng hạn chế can thiệp vào xã hội và chỉ can thiệp khi lợi ích công cộng bị xâm phạm.

Hoạt động kiểm duyệt trên khiến cho việc đầu tư cho phim trở nên rất rủi ro, thời gian kéo dài, và rất mệt mỏi đối với cả nhà đầu tư lẫn nghệ sĩ.

Tất nhiên, còn nhiều yếu tố khác nữa đang hạn chế ngành điện ảnh có những tác phẩm thu hút người xem đến rạp, nhưng tôi chỉ muốn chỉ nêu một số điểm mà tôi nghĩ là hạn chế, kìm hãm nhất ra sao cho các nhà quản lý lưu tâm tháo gỡ.

Nguyễn Minh Đức