Là một nhà giáo có nhiều năm gắn bó với ngành cả ở vai trò người giáo viên lẫn vị trí quản lý, ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định hiện nay việc nói tục, chửi thề trong giới trẻ hiện nay nói chung và trẻ em nói riêng là một biểu hiện kém văn minh, kém văn hoá, một tật xấu trong giao tiếp. Việc này cần được uốn nắn, sửa chữa, khắc phục.
"Trên thực tế hiện nay, việc nói tục, chửi thề đã thành thói quen, khá thông dụng ở một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ, đặc biệt là khi ra khỏi nhà, rời khỏi trường, lớp, giao tiếp với bạn bè qua mạng xã hội. Các em xem đó là việc bình thường, nói không ngượng mồm. Đôi khi, các em coi đó là cách thể hiện “đẳng cấp”, bất cần đời".
Người lớn cần quan tâm giáo dục trẻ biết nói lời hay, chuẩn mực từ khi còn bé, lúc còn học ở trường, khi tham gia các hoạt động xã hội. Ảnh minh họa: Thanh Tùng |
5 nguyên nhân khiến trẻ nói tục, chửi thề
Lý do thì nhiều, nhưng theo ông Ngai, cơ bản tập trung vào 5 nguyên nhân.
Thứ nhất là gia đình thiếu quan tâm giáo dục con, cháu về lời ăn, tiếng nói thật chuẩn mực ngay khi các em bắt đầu học nói (nên nói gì, không được nói gì và tại sao như vậy), từ khi các em còn bé (dạy con từ thuở còn thơ).
Người lớn trong nhiều gia đình chưa thật sự làm gương, thiếu gương mẫu trong giao tiếp, còn văng tục, chửi thề một cách thoải mái trước mặt con cháu và không kịp thời giáo dục, nhắc nhở, uốn nắn khi các em vi phạm, không xử phạt nghiêm minh khi các em tái phạm.
Thứ hai là chương trình môn giáo dục đạo đức chưa thật sát với từng lứa tuổi, đặc biệt với học sinh mầm non, tiểu học là đối tượng cần "học ăn, học nói, học gói, học mở". Môn học này chưa chú trọng đúng mức đến việc rèn kỹ năng giao tiếp cho các em.
Thứ ba là ở trường học, tuy trong bản nội quy từng trường đều có quy định học sinh không được nói tục, chửi thề... nhưng việc này không được quan tâm thường xuyên khi sinh hoạt toàn trường, trong tiết sinh hoạt hàng tuần của giáo viên chủ nhiệm, trong tiết học môn Đạo đức, môn Giáo dục công dân... Khi phát hiện học sinh nói tục, chửi thề thì không ít giáo viên làm ngơ, không kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh (một phần do ngại đụng chạm, nhất là học sinh vi phạm không học ở lớp mình làm giáo viên chủ nhiệm). Học sinh vi phạm nói tục, chửi thề nhiều lần chưa được xử lý nghiêm minh, giáo dục đến nơi đến chốn với những biện pháp giáo dục phù hợp.
Thứ tư là học sinh bị tác động bởi môi trường giao tiếp từ trong gia đình, khu phố, ngoài xã hội và trên các trang mạng xã hội.
Và thứ năm là bản thân học sinh còn hạn chế về nhận thức, chưa thấy việc nói tục, chửi thề là một tật xấu (vì nhiều người lớn xung quanh mình vẫn nói thường xuyên ở mọi nơi, mọi lúc nhưng có ai bị sao đâu?). Có em coi việc nói tục, chửi thề là “model” của thời đại hiện nay, thể hiện bản lĩnh cá nhân của mình.
Lê Huyền - Ngân Anh (ghi)
Nhà trường chịu thua trước 'cơn lũ' chửi thề của học trò?
Nhà trường ra sức răn đe, ngăn cấm nhưng dường như đang ở thế thua trước “cơn lũ” ngôn từ thiếu văn hóa đang ập vào đám học trò.