"Tôi ghen tị với Obama vì ông ấy có thể do thám các đồng minh mà không phải gánh hậu quả gì", Tổng thống Nga Putin nói khi được hỏi mối quan hệ của ông với Mỹ đã thay đổi thế nào sau các tiết lộ gián điệp của Snowden.


{keywords}

Trong màn hỏi đáp hàng năm với các nhà báo, Tổng thống Nga ca ngợi hành động của Edward Snowden, nói rằng người này hành động vì "lý do cao quý". Cùng lúc, ông Putin thừa nhận tầm quan trọng của chương trình do thám trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, song nói thêm, NSA cần được chỉ đạo để giới hạn quyền lực của họ.

"Không có gì để buồn và không có gì để tự hào, do thám luôn là tồn tại và nó là một trong những nghề lâu đời nhất", Putin nói. Đề cập tới một lượng lớn dữ liệu của các công dân mà NSA thu thập, Putin nói, việc sàng lọc toàn bộ số thông tin đó là không thể.

Người đứng đầu Kremlin mô tả Snowden là một "nhân vật thọc mạch" và nói hiện chưa rõ  tại sao cựu nhà thầu của CIA lại quyết định tiết lộ bí mật về chương trình nghe lén quốc tế của NSA khi còn ít tuổi như vậy.

Nga không làm việc với Snowden và không nhận tài liệu mật từ người này, Putin nói. Kẻ tiết lộ bí mật được phép cư trú ở Nga nhưng với điều kiện không dính vào chương trình tuyên truyền chống Mỹ.

Snowden từ Hongkong tới Nga vào tháng 6 sau khi tiết lộ một loạt thông tin mật về các hoạt động gián điệp của Washington. Người này phổ biến các tài liệu cho các hãng tin quốc tế rồi sau đó các hãng công khai cho mọi người đều biết về các hoạt động do thám của NSA.

Các tiết lộ về chương trình do thám đã châm ngòi cho những phản ứng dữ dội về ngoại giao và gây tác động bất lợi với chính sách ngoại giao của chính quyền Obama. Châu Âu có phản ứng đặc biệt tức giận khi biết NSA do thám các nhân vật chính trị cấp cao, gồm cả Thủ tướng Angela Merkel.

"Có quá nhiều hoạt động do thám không liên quan gì tới khủng bố và an ninh quốc gia. Đó là biện hộ", Glenn Greenwald một nhà báo cho biết.

  • Hoài Linh (Theo Rian)