- “Thực tế, tôi chưa thấy người tham gia giao thông nào bị phạt vì vi phạm Luật an toàn giao thông đường sắt. Tôi chỉ thấy Thanh tra giao thông đường sắt phạt một số nhân viên của ngành…”, ông Phạm Văn Bình, Trưởng ban An toàn đường sắt, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam trao đổi với VietNamNet. 

- Ông nhìn nhận như thế nào khi từ Tết đến nay xảy ra liên tiếp các vụ tai nạn đường sắt đặc biệt nghiêm trọng?

Trong đợt Tết Nguyên đán vừa qua (tính từ ngày 21 tháng Chạp tới mồng 8 tháng Giêng) so với Tết năm ngoái, số vụ tai nạn giảm 57%, số người chết giảm 56%, người bị thương giảm 89%.

Tuy nhiên, 3 ngày đầu tháng 2/2012, đã xảy ra ba vụ tai nạn đường sắt đặc biệt nghiêm trọng, rất đau thương.

Vụ tai nạn ở Hà Nam xảy ra khi xe dừng lại cho khách đi vệ sinh, ở đoạn xảy ra tai nạn có chắn ngang nhưng lại quá thấp nên dân vẫn tự ý vượt qua.

Ông Phạm Văn Bình.

Riêng vụ ở Đông Anh, cơ quan công an đang điều tra và sẽ có kết luận. Sau khi tai nạn xảy ra tôi có tới hiện trường, và nhận thấy việc nhân viên ngủ quên không hạ gác chắn là không có, vì khi kiểm tra số đăng ký ghi rõ giờ giấc tàu tới.  

Người điều khiển ô tô gây tai nạn không thể nói là đúng luật, vì anh đi cùng chiều với tàu hỏa. Tôi không hiểu tại sao tàu có kéo còi, có chuông báo… mà lái xe không trán?. Xe ô tô vào đường ngang có khúc cua mà không giảm tốc độ? Vụ việc này nguyên nhân sẽ do cơ quan điều tra làm rõ. Nhưng với đánh giá chủ quan của tôi thì nhân viên đã làm đúng, không có gì sai.

- Nhưng ngay khi vụ tai nạn xảy ra, theo kết quả ban đầu của cơ quan điều tra, vụ tai nạn ở Đông Anh có dấu hiệu nhân viên chưa hạ chắn nên người điều khiển xe ô tô 16 chỗ mới cố tình vượt qua?


Trong điều lệ chỉ quy định thời gian đóng chắn không được quá 20 phút vì đóng trước có thể ảnh hưởng ách tắc giao thông đường bộ. Nhân viên có thể căn cứ vào tình hình thức tế của đường bộ và tốc độ thực tế của đoàn tàu nhanh hay chậm để hạ chắn và tất nhiên phải đóng chắn trước khi tàu đến. Nhưng trong điều lệ thì không quy định phải đóng trước bao nhiêu phút.

Theo báo cáo của nhân viên gác chắn ở Đông Anh thì nhân viên đang đóng thì xe ô tô lao qua nên các nhân viên phải nhảy ra.

Tôi cũng không khẳng định các chị đó đúng hoàn toàn, cũng có thể nhân viên có sai sót trong quá trình tác nghiệp về việc đóng chắn chưa hợp lý. Kết quả cuối cùng phải chờ kết quả của cơ quan điều tra.
 
- Ông đánh giá thế nào về nguyên nhân của những vụ tai nạn đường sắt thời gian gần đây?


Trước tiên, là do ý thức của người tham gia giao thông đường bộ, người dân sinh sống ở gần đường sắt. Còn tai nạn do nguyên nhân chủ quan từ phía ngành đường sắt chiếm tỷ lệ rất thấp, dù đường sắt Việt Nam rất lạc hậu.

10 năm trở lại đây, chỉ có khoảng 3% số vụ tai nạn đường sắt do nguyên nhân chủ quan của ngành đường sắt. Như năm 2011, có hơn 500 vụ tại nạn đường sắt, nhưng nguyên nhân do chủ quan của chúng tôi chỉ có 16 vụ (3%).

Có nhiều vụ việc, đèn báo rồi mà người dân vẫn qua, thậm chí có rào chắn mà còn nâng rào chắn lên đi. Thực tế, Luật đã có nhưng nhiều điểm còn bất hợp lý, hoặc lỗi vượt qua rào chắn đường sắt chỉ bị phạt 50.000 đồng, như vậy không đáng kể.

Thực tế, tôi chưa thấy người tham gia giao thông nào bị phạt vì vi phạm Luật an toàn giao thông đường sắt. Tôi chỉ thấy thanh tra giao thông đường sắt phạt một số nhân viên của ngành đường sắt. Trong năm 2011, có 4 nhân viên đường sắt bị đuổi việc, và rất nhiều trường hợp bị chuyển việc…

Vụ tai nạn đường sắt ở Đông Anh (Hà Nội).

- Trong vài năm trở lại đây, cứ vào đầu năm là tai nạn đường sắt lại gia tăng đột biến, ông có đánh giá gì về thực tế này?

Tết và mùa lễ hội sau Tết mật độ người tham gia giao thông rất cao. Ngoài ra, ở các mặt khác như Tết người điều khiển phương tiện thường có chén rượu bia, nên sức khỏe không được tốt, việc tỉnh táo khi tham gia giao thông là không đảm bảo. Nên cứ vào thời điểm Tết là tai nạn giao thông đường sắt gia tăng.

Chúng tôi cũng tăng cường tuyên truyền, tiến hành kiểm tra… Tuy nhiên, những việc này chỉ hiệu quả với nhân viên đường sắt, còn với người dân thì phụ thuộc vào ý thức của họ.

- Trên cả nước hiện có rất nhiều đường ngang, trong đó 2/3 là đường ngang bất hợp pháp, vậy Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam có đề xuất, kiến nghị gì để giải quyết thực trạng này?

Hiện nay cả nước có trên 6.000 đường ngang, trong đó có hơn 4.800 đường ngang bất hợp pháp (chiếm 3/4). Chúng tôi đã đề xuất rất nhiều biện pháp nhưng có làm được hay không là do cơ quan chức năng.

Chúng tôi được nhà nước giao quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt, nhưng khi phát hiện người dân mở đường ngang trái phép, hoặc cố tình xây dựng công trình kết cấu hạ tầng vi phạm hành lang an toàn đường sắt… lại không thể phạt họ, thậm chí lập biên bản cũng không được, vì không có thẩm quyền.

Chúng tôi chỉ có thể đi báo cơ quan địa phương, công an, thanh tra giao thông đến lập biên bản.

Tình trạng đường ngang có từ lâu, nhưng việc giải quyết triệt để thì chưa làm được. Chúng tôi cũng đang hy vọng, năm 2012, khi Chính phủ giao cho UBND các địa phương xây dựng lộ trình xóa bỏ đường ngang, nếu chưa xóa bỏ được thì phải cắt cử người cảnh giới, nếu việc này được làm nghiêm tai nạn đường sắt có thể giảm.

- Vậy ông có đề xuất gì để giảm tai nạn đường sắt?


Với người dân, không nên làm bất cứ việc gì quanh hành lang an toàn giao thông đường sắt.

Với Chính quyền địa phương, cần xử lý nghiêm tất cả các trường hợp vi phạm Luật giao thông đường sắt.

- Xin cảm ơn ông!

Người dân vi phạm, không bắt ai bồi thường được
Khi tai nạn xảy ra chúng tôi chịu rất nhiều thiệt thòi, ảnh hưởng tới uy tín của ngành. Mỗi vụ tai nạn xảy ra, không chỉ chậm một đoàn tàu, mà cả hệ thống các tàu khác cũng bị chậm lại.

Vụ tai nạn ở Hà Nam năm 2011, một đầu máy lao xuống sông, hai toa xe bị hỏng hoàn toàn, tính giá trị vật chất chỉ thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng, nhưng số tiền do chậm các đoàn tàu khác thì hơn 1 tỷ đồng.

Vụ đấy tòa phán quyết họ phải đền bù cho ngành đường sắt 2,9 tỷ đồng, người lái xe gây tai nạn còn bị phạt tù 7 năm, nhưng nhà họ nghèo, còn mình vợ với mấy đứa con nheo nhóc, họ lấy đâu tiền đền.

Vụ tai nạn làm chết 3 người do đi vệ sinh xảy ra ở Hà Nam hôm 3/2 vừa qua cũng thế. Theo luật thì họ phải đền bù thiệt hại cho đường sắt, vì tàu bị chậm do dừng lại để giải quyết, rồi các tàu khác cũng phải dừng hoạt động, nhưng thiệt hại đó đâu có bắt đền họ được.

Thậm chí, chúng tôi còn phải quay trở lại hỗ trợ nhân đạo cho họ, bằng nguồn tiền từ Quỹ vì nạn nhân tai nạn giao thông đường sắt, do cán bộ, công nhân viên ngành đường sắt đóng góp.

(Ông Phạm Văn Bình, Trưởng ban An toàn đường sắt, Tổng Công ty đường sắt VN)

Vũ Điệp (thực hiện)