Big Tech Trung Quốc đang bị Bắc Kinh trấn áp vì những hoạt động xâm phạm dữ liệu cá nhân. Trong số này, Tencent nắm trong tay WeChat được xem là gặp mối nguy lớn nhất bởi kho dữ liệu liên quan trực tiếp đến tiền bạc của người dân.
Để đề phòng rủi ro, những tháng gần đây chứng kiến Tencent ngày càng bạo chi trong việc thâu tóm các studio game nước ngoài. Có một số lý do hợp lý để Tencent "thuận nước đẩy thuyền làm việc này.
Tiện đường mở rộng ra nước ngoài
Trung Quốc đã là một thị trường tiêu dùng khổng lồ nơi Tencent thống trị với các game phổ biến như PUBG Mobile hay Honor of Kings. Tuy nhiên, việc giới trẻ Trung Quốc quá nghiện game khiến Tencent buộc phải giới hạn giờ chơi và độ tuổi theo yêu cầu của nhà chức trách.
Các game mobile của Tencent thống trị thị trường nội địa, nhưng miếng bánh nước ngoài vẫn còn bỏ ngỏ. |
Trong khi đó, ở thị trường toàn cầu, Tencent có thể thoải mái phát hành game cho bất cứ ai, bán vật phẩm ảo cho bất cứ người nào trả đủ tiền mà không cần xin giấy phép. Con đường ra nước ngoài vì thế vừa giúp né các quy định khắt khe của Bắc Kinh, vừa mở toang con đường phát triển thuận lợi cho Tencent.
Tất nhiên không phải đợi tới bây giờ, thực tế Tencent đã âm thầm bỏ tiền mua các studio game nước ngoài từ rất lâu nhưng giữ nguyên tên gọi và đội ngũ phát triển. Đây là cách để Tencent dần dần thâu tóm cả ngành game mà không tạo ra sự ác cảm đối với một công ty đến từ Trung Quốc trong bối cảnh hàng hóa Trung Quốc trở thành thứ nhạy cảm với phương Tây.
Mở rộng danh mục game
Tencent có một danh mục game online rất mạnh bao gồm các thương hiệu cho PC và mobile, nhưng thị trường phương Tây vốn ưa chuộng game offline vẫn còn đang bỏ ngỏ. Đó là lý do gã khổng lồ Internet Trung Quốc thâu tóm nhiều studio ở các nước khác nhau như Anh, Thụy Điển, Đức nhằm đa dạng hóa và bản địa hóa các sản phẩm.
Tencent muốn đa dạng hóa danh mục game của mình, không chỉ là các game online mà còn cả các video game ăn khách phương Tây. |
Điều này hoàn toàn khác những năm trước khi Tencent cố gắng đưa những sản phẩm chủ lực như PUBG Mobile hay Arena of Valor vào châu Âu nhưng không thành do khẩu vị game thủ nơi đây khác hoàn toàn.
Kế hoạch lâu dài
Rõ ràng, vì bất cứ lý do gì, mục đích tối thượng của Tencent vẫn là lợi nhuận lâu dài. Công ty này không có ý định đầu tư và thoái vốn như các quỹ đầu tư mạo hiểm. Thay vào đó, Tencent hướng đến một tương lai lâu dài khi game trở nên phổ biến toàn cầu và dần trở thành sản phẩm giải trí thay thế phim ảnh, truyện tranh.
Để làm điều này, Tencent đã chuẩn bị để thâu tóm các nền tảng livestream và phát triển cộng đồng rất mạnh ở khu vực Đông Nam Á. Mọi game của Tencent khi đó sẽ tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng hơn nhờ các nền tảng livestream xuyên biên giới.
Đó có thể là một mục tiêu còn xa hơn thế, chẳng hạn như nghiên cứu & phát triển máy chơi game để cạnh tranh với Microsoft, Nintendo hay Sony. Thực tế, Tencent đã âm thầm đăng ký bằng sáng chế máy chơi game từ nhiều năm qua nhưng chỉ gần đây mới lộ diện những hình ảnh đầu tiên với thiết kế khá giống một chiếc máy chơi game cầm tay (handheld).
Nếu viễn cảnh đó xảy ra, không khó để hình dung ra những chiếc máy do Tencent sản xuất ở Trung Quốc với giá rẻ chỉ bằng một nửa những PlayStation hay Xbox với một kho game độc quyền sẽ rất phong phú.
Phương Nguyễn
Trung Quốc cấm Tencent độc quyền sở hữu nhạc
Nhà chức trách Trung Quốc yêu cầu Tencent từ bỏ độc quyền sở hữu nhạc và phạt công ty vì hành vi phản cạnh tranh.