LTS: Tuần Việt Nam mở Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường" với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam.
Chủ đề đầu tiên của Diễn đàn tập trung vào thể chế kinh tế. Mời quý vị cùng theo dõi.
Cần có khát vọng vươn lên
Trong những năm trước, nhất là thời kỳ đầu của công cuộc Đổi mới, TPHCM luôn là nơi thử nghiệm các chính sách mới, thể chế mới trên bình diện cả nước.
Các lãnh đạo thành phố luôn là những người đề xuất các sáng kiến đổi mới sự lãnh đạo của Đảng và các sáng kiến đổi mới kinh tế. Thành phố luôn đi đầu trong công cuộc hoàn thiện thể chế kinh tế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Tuy vậy, trong thời gian gần đây, vai trò này của TPHCM có thể nói là đã trở nên rất mờ nhạt, không đóng góp nhiều cho các sáng kiến đổi mới kinh tế đối với trung ương.
Vì lẽ đó, TPHCM nên tiếp tục tổng kết các kinh nghiệm và thực tiễn phát triển kinh tế thị trường ở thành phố; phân tích, đánh giá thực trạng và nguyên nhân của các vấn đề xã hội, môi trường và kiến nghị các giải pháp nhằm góp phần thực hiện các đột phá chiến lược của Đảng và Nhà nước.
TPHCM có 7 chương trình đột phá nhưng vẫn chưa tạo ra tính đột phá nhằm giải quyết những vấn đề xã hội, môi trường bức xúc của người dân. |
Bên cạnh đó, Thành phố còn rất nhiều tiềm năng nhưng chưa khai thác và tận dụng hết để phát triển. Đó là tiềm năng là trung tâm tài chính, thương mại của cả nước; là nơi tập trung phần lớn lực lượng khoa học, công nghệ của cả nước; là địa phương có khu vực kinh tế tư nhân năng động và lớn nhất, chiếm khoảng gần 40% cả nước; là nơi có nền kinh tế thị trường phát triển nhất và năng động nhất; có khả năng hội nhập tốt nhất với kinh tế khu vực và thế giới…
Tăng trưởng kinh tế của Thành phố là tương đối cao, đạt mục tiêu đề ra, nhưng mức tăng trưởng đó còn thấp xa so với tiềm năng như vừa điểm qua trên đây; và chính tăng trưởng thấp hơn tiềm năng là một trong các nguyên nhân chậm giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc.
Trong các kế hoạch phát triển, Thành phố chưa định rõ tầm nhìn phát triển, chưa có khát vọng xây dựng và phát triển thành phố sánh ngang với những thành phố phát triển hàng đầu trên thế giới, thành đầu tàu mạnh thực sự thúc đẩy và dẫn dắt phát triển kinh tế vùng và của cả nền kinh tế.
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Thành phố là 8-8.5% trong giai đoạn 2016-2020. Tốc độ tăng trưởng mấy năm gần đây chỉ vào khoảng 8,2- 8,3%, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của cả nước đạt khoảng gần 7%.
Như vậy, tốc độ tăng trưởng của thành phố không vượt trội so với cả nước. Đây là điều đáng suy nghĩ khi tiềm năng và lợi thế của Thành phố vượt trội hơn nhiều so với các địa phương khác trên cả nước. Lẽ ra, Thành phố có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn.
Đầu tư sai lệch
Trong mấy năm gần đây, tổng vốn đầu tư xã hội của Thành phố chỉ bằng 30% GRDP, và tốc độ tăng bình quân là 8,4%; cả hai chỉ tiêu nói trên về huy động vốn đều thấp hơn bình quân chung của cả nước.
Rõ ràng mức độ huy động vốn đầu tư xã hội hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng của kinh tế thành phố, chưa tương xứng với nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế Thành phố nói riêng và kinh tế cả nước nói chung. Thực trạng nói trên có thể do chưa có giải pháp quyết liệt, hợp lý, sáng tạo, có tính đột phá và hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Về phân bố vốn đầu tư trong nước, trong thời kỳ 2016 đến 6 tháng đầu năm 2018, hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 45%; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy chiếm 16%; xây dựng gần 13%; khoa học, công nghệ, tư vấn chiếm 5,7%; công nghiệp chế biến chế tạo chiến tỷ trọng không đáng kể, chỉ 4,4%.
Tương tự đối với đầu tư nước ngoài FDI, hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng cao nhất hơn 36%; công nghiệp chế biến chế tạo xếp thứ 2, chiếm gần 29%; bán buôn, bán lẻ hơn 14%; hoạt động chuyên môn khoa học chiếm hơn 10%, thông tin, truyền thông chỉ chiếm hơn 4%,… các nhà đầu tư từ Châu Âu, Hoa Kỳ vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ.
Như vậy, phân bố vốn đầu tư sai lệch đáng kể so với chủ trương và định hướng phát triển kinh tế thành phố. Vốn đầu tư được thu hút và phân bố vào 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 9 ngành dịch vụ có lợi thế cạnh tranh là không tương xứng.
Phân bố vốn đầu tư như trên là không phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của Thành phố; không thúc đẩy cơ cấu lại kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; làm giảm hiệu quả sử dụng vốn, không phát huy, tận dụng được các lợi thế cạnh tranh.
Thực trạng phân bố vốn đầu tư xã hội như nói trên một phần chắc chắn là kết quả của chính sách, điều hành phát triển kinh tế không phù hợp, làm sai lệch động lực và đòn bẩy đối với nhà đầu tư. Có thể một phần không nhỏ nguồn vốn xã hội đang được sử dụng để đầu cơ hơn là đầu tư tạo giá trị gia tăng lâu dài cho xã hội.
Doanh nghiệp ở đâu?
Có một điểm quan trọng là quy mô DNNN ở TPHCM hiện là lớn nhất trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhưng chưa được khai thác sử dụng có hiệu quả cho phát triển kinh tế.
Trong hơn 2 năm qua, chưa có một doanh nghiệp nào hoàn thành cổ phần hóa. 32 doanh nghiệp cổ phần hóa trước đây hoạt động kém hiệu quả, thậm chí hiệu quả hoạt động của chúng trên một số mặt có phần giảm sút.
Ví dụ, lợi nhuận sau thuế giảm gần 55%; lao động giảm gần 4%; các chỉ tiêu khác tăng không nhiều. Thực tế đó hoàn toàn khác, thấp xa so với kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các DNNN cổ phần hóa ở các bộ, ngành và các địa phương khác.
Vì thế, cần xác định nguyên nhân gây chậm trễ cổ phần hóa DNNN, không cải thiện được đáng kể hiệu quả của DNNN sau cổ phần hóa; qua đó, chỉ đạo quyết liệt, nhất quán và triệt để đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa theo tiến độ; và yêu cầu đại diện chủ sở hữu, đại diện của nhà nước trong hội đồng quản trị thực hiện các giải pháp cần thiết cải thiện hiệu quả hoạt động của các DNNN cổ phần hóa.
Thành phố chưa chú ý đúng mức khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước.
Khác với hầu hết các địa phương khác, khu vực kinh tế tư nhân chính thức trong nước ở TP HCM rất mạnh, rất năng động, có mức độ hội nhập rất cao. Tuy vậy, trong các báo cáo chính thức của Thành phố không có đánh giá về thực trạng phát triển kinh tế tư nhân, không có đánh giá đóng góp của kinh tế tư nhân vào phát triển kinh tế thành phố; đặc biệt không có giải pháp cụ thể khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân.
Lẽ ra, trong các báo cáo đó cần bổ sung các giải pháp đủ mạnh, quyết liệt và hợp lý nhằm khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân để khu vực này trở thành động lực quan trong phát triển kinh tế Thành phố.
Kẹt xe trên xa lộ Hà Nội. |
TPHCM đã xây dựng và thực hiện 7 chương trình đột phá (*), tuy nhiên, tính chất và mức độ “đột phá” là rất ít trong các chương trình đó.Đột phá mà lại thiếu đột phá
Lấy ví dụ Chương trình về nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh. Tuy phần lớn các tiểu chương trình đã hoàn thành, nhưng chất lượng tăng trưởng, cách thức tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế Thành phố hầu như không thay đổi. Đánh giá về kết quả đạt được của các chương trình cũng còn sơ sài và giản đơn, chủ yếu là điểm lại các công việc mà chính quyền các cấp của Thành phố thực hiện; chưa xem xét, đánh giá tác động của các chương trình đó đến cuộc sống hàng ngày của người dân.
Các chương trình như giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, giảm ô nhiểm, giảm ngập và chương trình cải cách hành đã tác động như thế nào đến cuộc sống của người dân?
Các chương trình đột phá chưa có tính “đột phá” nên các vấn đề kinh tế xã hội bức xúc vẫn chưa giải quyết được một cách bền vững cả trước mắt và lâu dài.
Ở gó độ khác, các giải pháp áp dụng công nghệ 4.0, tận dụng cơ hội 4.0 chưa rõ nét, chưa toàn diện, mới chỉ chú ý đến một phần đến quản lý nhà nước, trong khu vực nhà nước.
Thành phố chưa chú ý đến chuyển đổi khu vực sản xuất, cung ứng dịch vụ, nhất là những ngành, sản phẩm mà kinh tế thành phố có lợi thế; hầu như chưa chú ý đến phát huy thế mạnh về nghiên cứu và phát triển để hình thành các ngành nghề kinh doanh mới, sản phẩm dịch vụ mới, phát triển công nghệ mới, cách thức kinh doanh mới, và cả chuyển đổi và phát triển kinh tế số. Chưa có đề xuất, kiến nghị, giải pháp xây dựng và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Vì lẽ đó, Thành phố cần phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp cả trong và ngoài nước ở TPHCM, với các bộ như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch hành động, triển khai ngay các hành động cụ thể, thiết thực áp dụng công nghệ 4.0 và phát triển công nghệ 4.0, khai thác tận dụng cơ hội mới để nâng cao hiệu quả kinh tế thành phố, phát triển và đưa kinh tế thành phố lên các cấp mới cao hơn về chất, về trình độ.
Thành phố đã có 7 nhóm giải pháp với khoảng 60 nhiệm vụ cụ thể đến năm 2020. Tuy vậy, các đề xuất còn rất chung chung, thiếu thực tiễn, thiếu khả thi, thiếu địa chỉ chịu trách nhiệm, thiếu thời hạn hoàn thành, thiếu mục tiêu, chỉ tiêu đánh giá; và cuối cùng là không rõ trách nhiệm giải trình.
Ngoài ra, các giải pháp liên kết, phối hợp giữa thành phố với vùng đông nam bộ, vùng nam bộ rất thiếu hoặc quá mờ nhạt. Trong khi đó, phát triển kinh tế thành phố hiện nay và mai sau không thể thiếu được sự phối hợp, liên kết chặt chẽ với các vùng có liên quan; và chính sự liên kết, phối hợp vùng mới tạo cho không gian rộng mở cho phát triển kinh tế thành phố.
Nêu những bất cập và gợi ý kèm theo, tôi hi vọng về trung hạn, đến 2035, tức 60 năm sau giải phóng, thành phố cần sẽ tầm nhìn để trở thành một thành phố thông minh, hiện đại và phát triển; trở thành một trong số các thành phố đáng sống trong khu vực có tốc độ tăng trưởng từ 9-10% trong khoảng ít nhất 15 năm 2021-2035; trở thành trung tâm tài chính thương mại khu vực và quốc tế; trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; làm đầu tàu thúc đẩy và dẫn dắt phát triển của nền kinh tế nước ta.
Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương
(*) Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Chương trình cải cách hành chính; Chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố đáp ứng yêu cầu hội nhập; Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông; Chương trình giảm ngập nước; Chương trình giảm ô nhiễm; Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị.
Trân trọng kinh mời quý vị độc giả gửi bài cho Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường" theo địa chỉ Email: tuanvietnam@vietnamnet.vn
Xem thêm các bài viết khác của Diễn đàn Vì Việt Nam hùng cường đăng tải trên Chuyên trang Tuần Việt Nam/ Báo VietNamNet: