- Do dự án khả thi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa được phê duyệt, việc cấp mã số định danh cá nhân cũng sẽ không thể đúng thời hạn 1/1/2016 như QH yêu cầu.
>> Có thẻ căn cước công dân không cần giấy tờ gì khác
Tại hội nghị tổng kết việc thực hiện đề án 896 về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu (CSDL) liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 tổ chức hôm nay (27/1), Thứ trưởng Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết hai luật Căn cước công dân và Hộ tịch đã được QH thông qua, nhưng CSDL quốc gia về dân cư, cơ sở để cấp mã số định danh cá nhân cho công dân đến nay vẫn chưa phê duyệt được dự án khả thi.
"Bộ Công an đã báo cáo CP và được Thủ tướng chỉ đạo giao Bộ trưởng Công an phê duyệt dự án khả thi CSDL quốc gia về dân cư. Các Bộ Công an, Kế hoạch - Đầu tư và Tài chính đã phối hợp để tìm giải pháp về vốn, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được nguồn vốn đảm bảo cho việc xây dựng, do vậy vẫn chưa phê duyệt được dự án khả thi", ông Đinh Trung Tụng chỉ ra.
Nguyên nhân khách quan là việc tìm nguồn vốn cho dự án này gặp rất nhiều khó khăn vì nguồn vốn dự kiến lớn, thủ tục mất nhiều thời gian. Nguyên nhân chủ quan là lãnh đạo, chỉ đạo còn thiếu thống nhất gây lúng túng cho cấp triển khai thực hiện.
PTT Nguyễn Xuân Phúc: Không được làm phiền người dân khi thu thập thông tin dân cư. Ảnh: Chung Hoàng |
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, Bộ Tư pháp, cũng cho biết tiến độ xác định nguồn vốn và phê duyệt dự án khả thi CSDL quốc gia về dân cư hiện đã bị chậm 10 tháng so với kế hoạch. Ban chỉ đạo đề án 896 cho rằng để đảm bảo sớm triển khai kế hoạch cấp mã số định danh cá nhân cho công dân thì việc phê duyệt này muộn nhất phải là tháng 3/2015.
"Do để hoàn tất CSDL này để có thể bắt đầu nhập thông tin công dân thì phải qua nhiều bước: xây dựng thiết kế chi tiết, lập hồ sơ, tổ chức đấu thầu và tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật... Nếu dùng vốn ngân sách thì tổng thời gian xây dựng là 12 tháng, nếu sử dụng vốn ODA thì sẽ kéo dài thêm 6 tháng vì có nhiều thủ tục liên quan. Nếu phê duyệt tháng 3/2015 thì sớm nhất đến tháng 3/2016 mới có thể bắt đầu nhập dữ liệu về công dân, chậm hơn so với thời điểm 1/1/2016 mà luật Hộ tịch và Căn cước công dân yêu cầu. Sự chậm trễ này kéo theo việc chậm triển khai cấp số định danh cá nhân mà theo yêu cầu là từ ngày 1/1/2016", ông Ngô Hải Phan phân tích.
Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục VII - Bộ Công an lo ngại khó phê duyệt kịp vào tháng 3/2015, vì hai Bộ KH-ĐT và Tài chính yêu cầu làm rõ nguồn vốn. "Dự án đã hoàn thành, chỉ có tiền là trong vòng 1 tuần Bộ trưởng Công an sẽ phê duyệt", ông Vệ khẳng định.
Thứ trưởng Đặng Huy Đông của Bộ KH-ĐT phản biện: Dự án Bộ Công an đưa sang ứng dụng công nghệ cũ, hơn 11 nghìn xã mà mỗi xã có 1 máy chủ, chưa kể hơn 600 huyện, quận, 63 tỉnh, thành và ở trung ương. Trong khi chỉ cần một máy chủ chính ở trung ương, thêm một máy chủ dự phòng, còn lại kết nối bằng mạng internet, mỗi xã chỉ cần trang bị một máy tính xách tay để nhập dữ liệu.
"Việc đất nước cần thì bao nhiêu tiền vẫn phải làm, nhưng Bộ KH-ĐT yêu cầu tìm giải pháp hiệu quả hơn", ông Đặng Huy Đông nói.
Thứ trưởng KH-ĐT cũng kiến nghị phương án thuê ngoài, việc đã được Thủ tướng cho phép tại quyết định 80 năm 2014 về thí điểm thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước: 3 doanh nghiệp viễn thông lớn đều muốn nhận làm, CSDL này lại dùng chung cho nhiều ngành nhiều đơn vị, nên triển khai theo tư tưởng mới này để đẩy nhanh tiến độ.
"Tinh thần của Bộ KH-ĐT là các dự án đầu tư của nhà nước, trước khi quyết định cấp vốn ngân sách sẽ để các doanh nghiệp tham gia trước, nếu tư nhân không ai nhận thì mới dùng đến ngân sách. Vì lấy tiền từ ngân sách có rất nhiều thủ tục, việc đấu thầu rất mệt mỏi, trong khi với doanh nghiệp, họ chỉ cần nhà nước minh bạch, trong trường hợp này là hai việc: nội dung thông tin cần thu thập, quy trình thu thập và quản lý thông tin. Chỉ cần Bộ Công an cho doanh nghiệp đến tham khảo cách làm", Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhấn mạnh thuê ngoài là cách hiệu quả nhất.
Thứ trưởng Tài chính Trương Chí Trung đồng tình: Nếu yêu cầu về tính bảo mật không quá cao thì thuê ngoài là cách tốt nhất.
Thứ trưởng Công an Bùi Văn Nam nhấn mạnh "có yếu tố an ninh", trong khi Thiếu tướng Trần Văn Vệ lưu ý: Đây không phải chỉ là một kho dữ liệu thống kê để biết mà phải cập nhật thường xuyên mọi biến động về hộ tịch.
Ông Vệ cho biết đã mời các doanh nghiệp FPT, Viettel đến nhưng "họ thấy làm xong không thu được cái gì, vì đây là việc công ích, luật Căn cước công dân đã quy định không thu lệ phí, mà doanh nghiệp thì cần doanh thu".
Thứ trưởng Đặng Huy Đông trao đổi: "Người ta đến mà ta bảo họ không có chỗ nào 'gõ ra tiền' được thì họ bỏ đi là đúng. Nhưng đâu cần cứ phải lấy từ công dân. Có CSDL rồi, các đơn vị sử dụng thông tin muốn khai thác sẽ phải trả tiền cho mỗi cái nhấp chuột".
Thứ trưởng Thông tin - Truyền thông Nguyễn Minh Hồng cho biết cũng đã kiến nghị Bộ Công an việc thuê ngoài, vì trong việc xây dựng CSDL có những gói thầu doanh nghiệp có thể đảm trách như đường truyền, lưu trữ, phần mềm quản trị...
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh: Việc xây dựng CSDL quốc gia về dân cư là việc "cưỡi trên lưng hổ", không thể quay đầu lại mà phải tập trung làm xong trước.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ làm việc với nhau để sớm tháo gỡ vướng mắc về nguồn vốn, trong đó thảo luận kỹ hơn về phương án xã hội hóa đi đôi với đảm bảo an ninh.
"Không để vì thiếu vốn mà việc này bị đình trệ", Phó Thủ tướng nhấn mạnh. "Thu thập thông tin cũng phải tiết kiệm, tận dụng tối đa thông tin đã có từ các dữ liệu của công an, hộ tịch, quản lý đất đai, bảo hiểm xã hội... Hạn chế làm phiền người dân trong việc thu thập thông tin, không bắt người dân khai đi khai lại mãi một nội dung".
Chung Hoàng