Trong phiên, có lúc chỉ số Dow Jones giảm tới gần 590 điểm. Các chỉ số khác đều giảm mạnh. Nhiều cổ phiếu công nghệ có liên quan tới các đồng tiền số như Tesla… giảm điểm mạnh.

Giới đầu tư chứng kiến một làn sóng bán khống đối với các cổ phiếu loại này, trong đó Tesla đang dẫn đầu. Theo dữ liệu của S3 Partners, giá trị giao dịch bán khống đối với cổ phiếu Tesla ở mức 22,5 tỷ USD tính đến ngày 13/5.

Nhà đầu tư nổi tiếng của tác phẩm "The Big Short" Michael Burry đã đặt cược một khoản bán khống lớn vào Tesla. Và ông không phải là người duy nhất có động thái như vậy. Amazon và Microsoft cũng là các cổ phiếu đang chịu áp lực bán khống.

Hoạt động bán khống Tesla diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu này đã giảm khoảng 30% so với mức cao kỷ lục thiết lập vào ngày 8/1. Các nhà đầu tư tiếp tục gia nhập xu hướng đặt cược giá xuống này.

Chứng khoán Mỹ giảm mạnh chủ yếu do nhóm cổ phiếu công nghệ trượt giá khi các nhà đầu tư lo lắng về đà lao dốc đột ngột của tiền điện tử, bao gồm cả Bitcoin. Đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới đã bốc hơi 30% và hiện chỉ trên 30.000 USD.

{keywords}
Chứng khoán Mỹ giảm mạnh theo đà lao dốc của các đồng tiền số.

Đồng Bitcoin tiếp tục lao dốc và lần đầu tiên trong nhiều tháng xuống sát ngưỡng 30.000 USD sau khi Trung Quốc tuyên bố cấm sử dụng tiền kỹ thuật số trong các giao dịch đồng thời cảnh báo giới đầu tư về hoạt động đầu cơ loại tiền này.

Theo đó, Hiệp hội Tài chính Internet Trung Quốc, Hiệp hội Ngân hàng Trung Quốc và Hiệp hội Thanh toán và Thanh toán bù trừ Trung Quốc cho biết các thể chế tài chính ở nước này, bao gồm ngân hàng và các kênh thanh toán trực tuyến, không được cung cấp cho khách hàng bất kỳ dịch vụ nào liên quan đến tiền kỹ thuật số, như đăng ký, giao dịch và thanh toán.

Nhiều đồng tiền số khác cũng giảm giá mạnh, 30-60% trong vòng 24 giờ qua.

Đây là cú sốc thứ 2 đối với đồng Bitcoin nói riêng và nhiều đồng tiền số khác. Trước đó, thị trường tiền số tụt giảm mạnh khi tỷ phú Mỹ Elon Musk và công ty sản xuất ô tô điện Tesla của ông tuyên bố ngừng sử dụng đồng Bitcoin trong các giao dịch mua bán xe của hãng do lo ngại các vấn đề về môi trường.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm còn do giới đầu tư lo ngại về bóng ma lạm phát.

Các chỉ số chứng khoán cũng đã nới rộng đà lao dốc trong phiên đêm qua (giờ Việt Nam) sau khi biên bản cuộc họp tháng 4 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) gợi ý về việc xem xét lại các chương trình mua sắm tài sản của Cơ quan này trong các cuộc họp sắp tới.

Hiện tại, giới đầu tư đang theo sát diễn biến lạm phát và cú đánh cược danh dự của Fed vào dự báo lạm phát cao chỉ mang tính “tạm thời”.

Đà giảm của chứng khoán Mỹ bị chặn lại phần nào nhờ kết quả kinh doanh tốt của đa số các doanh nghiệp trên sàn. Mùa báo cáo lợi nhuận quý I khép lại với hơn 90% số công ty thuộc S&P 500 đã công bố kết quả. Trong đó, có đến 86% số công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo mức EPS dương bất ngờ, cao nhất kể từ năm 2008.

M. Hà