Các chuyên gia cảnh báo, sự tích tụ các loại khí trong con tàu có thể dẫn tới một vụ nổ tàn khốc, khiến hàng triệu gallon dầu chảy tràn ra biển.
Con tàu dầu được mô tả là quả bom hẹn giờ ngoài khơi Yemen. (Ảnh: Twitter/ Oil & Gas Advisors) |
Con tàu, hiện đang neo gần cảng Ras Isa của Yemen, trên khoang có khoảng 1,1 triệu thùng dầu. Nó "tê liệt" ở vị trí hiện tại từ năm 2015 và người địa phương đã sử dụng con tàu như một sà lan tạm.
Suốt 4 năm qua, tàu không được bảo trì bảo dưỡng nên đang xuống cấp nhanh chóng, có nguy cơ gây ra thảm họa khủng khiếp cho môi trường toàn cầu.
Con tàu này thuộc về Tập đoàn dầu khí Yemen.
Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo Mark Lowcock chỉ ra rằng, tùy thuộc thời điểm và dòng chảy của nước, dầu trên tàu nếu bị rò tràn có thể chảy vào Kênh đào Suez và lan tới tận Eo biển Hormuz.
"Mọi người hãy tưởng tượng ảnh hưởng của một thảm họa như vậy với môi trường, với các tuyến đường biển và nền kinh tế toàn cầu", ông Lowcock phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và cho biết thêm, "các cuộc bàn thảo tiếp tục để giải quyết vấn đề càng nhanh càng tốt".
Theo quan chức này, cơ quan của ông đã lên kế hoạch đánh giá rủi ro của con tàu trong tuần này nhưng nhóm của ông bị giới chức địa phương ngăn cản và không cấp giấy phép.
Mặc dù lực lượng Houthi hậu thuẫn chính phủ Yemen – được biết đến với tên gọi đảng Ansar Allah – đã lên tiếng yêu cầu giúp đỡ xử lý "quả bom hẹn giờ" này nhưng theo ông Lowcock, chính các quan chức của họ lại trì hoãn giải quyết vấn đề.
Chính phủ Yemen do người Houthi lãnh đạo trước đó kêu gọi được đảm bảo cho phép trích xuất dầu từ con tàu – trị giá gần 60 triệu USD – sau khi tàu được cứu. Tuy nhiên, các lệnh cấm vận quốc tế đối với nước này khiến cho kế hoạch không thể thực hiện. Có thể đây chính là lý do phía Yemen không rốt ráo xử lý vấn đề.
Trong khi đó, chính phủ Yemen được Ảrập Xêút hậu thuẫn đang lưu vong đã tận dụng tình huống này tung ra video để chỉ trích các đối thủ.
Kể từ khi nội chiến nổ ra ở Yemen năm 2015, cuộc cạnh tranh về tính hợp pháp của hai chính phủ diễn ra khốc liệt, dù chính phủ mà Ảrập Xêút hậu thuẫn được quốc tế công nhận. Xung đột đã đẩy Yemen vào khủng hoảng nhân đạo thuộc loại tồi tệ nhất thế giới, theo các nhóm nhân quyền và Liên Hợp Quốc.
Trong tổng 24 triệu dân Yemen, có tới 14 triệu người hiện đang phải sống nhờ viện trợ nhân đạo.
Thanh Hảo