![]() |
Thị trường di động Mỹ đã gần như bão hòa. |
Nếu chỉ nhìn vào sự tăng trưởng của thị trường smartphone, nhiều người sẽ lầm tưởng thị trường viễn thông cũng có sự tăng trưởng tốt như vậy. Nhưng chuyên gia phân tích Craig Moffett của hãng nghiên cứu Craig Moffett vừa công bố báo cáo cho thấy, tốc độ tăng trưởng doanh thu của ngành viễn thông Mỹ trong quý IV vừa qua đã giảm mạnh và chỉ còn 2,6%. Đây là lần đầu tiên lĩnh vực này có tốc độ tăng trưởng dưới 3% kể từ hơn một thập kỷ qua và nếu so sánh với tốc độ tăng trưởng có 2 con số của 2 năm trước đây, viễn thông Mỹ đang “tuột dốc” mạnh.
Tính cả năm 2009, viễn thông Mỹ chỉ có tốc độ tăng trưởng 3,3% trong khi doanh thu bình quân trên mỗi thuê bao (ARPU) giảm 3,1%.
“Đã đến lúc từ không thể nói rằng: Viễn thông là ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng tốt”, chuyên gia Moffett nói. Khi nói về triển vọng của ngành này trong năm 2010, nhà phân tích này còn cho rằng các hãng viễn thông “lại tiếp tục lạc quan quá mức”. Trước đó đã có dự báo rằng doanh thu của “nhóm bộ tứ” (gồm 4 hãng viễn thông lớn nhất nước Mỹ) sẽ tăng trưởng khoảng 3,4 đến 4,4% trong năm 2010 nhưng theo Craig Moffett, mức tăng trưởng “đề nghị” chỉ nên dừng ở con số 2,7% hay thậm chí là thấp hơn với điều kiện các cuộc đua giảm giá cước không leo thang.
Vấn đề lớn nhất hiện nay của viễn thông Mỹ là thị trường di động trả sau đã sắp đạt ngưỡng bão hòa. Trong thời gian vừa qua, số lượng hợp đồng mới của các nhà mạng Mỹ chủ yếu chỉ là hệ quả của “cơn bão” chuyển đổi từ các dòng điện thoại cũ sang các dòng smartphone hiện đại hơn chứ có rất ít thuê bao mới thực sự.
Trong báo cáo của mình, Moffett tiếp tục đánh giá cao triển vọng tăng trưởng của các hãng PCS và LEAP – những hãng có thế mạnh trong lĩnh vực di động trả trước, và hạ thấp hơn nữa triển vọng của 2 trong 4 ông lớn là Verizon và AT&T.
Theo Mobile World
Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 26 ra ngày 1/3/2010