Từ ngày 30/6-3/7, trong khuôn khổ Khoá họp thường kỳ lần thứ 53 được tổ chức tại Geneva, Thụy Sỹ, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (HĐNQ L​HQ) đã tổ chức các Phiên thảo luận thường niên về quyền phụ nữ, biến đổi khí hậu, và Phiên thảo luận với Báo cáo viên Đặc biệt về vấn đề nghèo cùng cực.

Phát biểu mở đầu Phiên thảo luận thường niên về quyền phụ nữ và an sinh xã hội, Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh, quyền an sinh xã hội và nguyên tắc không phân biệt đối xử đã được khẳng định trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.

Phụ nữ Việt Nam, thông qua các tổ chức hội của mình đã đóng góp xây dựng và triển khai các chính sách phát triển và an sinh xã hội với nhiều kết quả nổi bật trên bình diện quốc tế và khu vực. Việt Nam khẳng định trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, và tăng cường vai trò của các tổ chức của phụ nữ ở các cấp là định hướng quan trọng để bảo đảm an sinh xã hội cho phụ nữ trong thời gian tới.

Tại Phiên thảo luận thường niên về biến đổi khí hậu và quyền lương thực, Trưởng đoàn Việt Nam giới thiệu nỗ lực của Việt Nam vượt qua các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19 và các vấn đề toàn cầu khác để bảo đảm an ninh lương thực cho người dân, và trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững, như đã cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh của LHQ về Hệ thống lương thực thực phẩm năm 2021.

Chia sẻ với nhiều ý kiến của cộng đồng quốc tế về vai trò của chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm trong ứng phó với biến đổi khí hậu, Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho rằng công tác này cần tính tới hoàn cảnh cụ thể của mỗi quốc gia, địa phương và bảo đảm sự tham gia của các bên liên quan, tận dụng nguồn lực đầu tư, đổi mới sáng tạo.

Mở đầu phần đối thoại HĐNQ với Báo cáo viên Đặc biệt về vấn đề nghèo cùng cực, Trưởng đoàn Việt Nam khẳng định vai trò quan trọng của bảo đảm việc làm, tạo thu nhập trong các nỗ lực xoá nghèo; các quốc gia cần bảo đảm quyền làm việc đối với người dân, nhất là trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch.​

W-minhhoa.jpg

Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Minh Vũ cũng chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam với những thành tựu đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận; trong đó có cách tiếp cận của Việt Nam là xóa nghèo đa chiều để đảm bảo các thành tựu về xóa nghèo được bền vững, ngăn chặn nguy cơ tái nghèo; và tạo điều kiện để khu vực tư, các cộng đồng, các đối tác phát triển và các bên liên quan đồng hành cùng Nhà nước huy động nguồn lực lớn hơn, tạo được nhiều cơ hội việc làm bền vững hơn cho người dân.

Các cuộc họp nêu trên được HĐNQ tổ chức trong khuôn khổ Khoá họp thường kỳ lần thứ 53 (19/6-14/7/2023) với sự tham dự của Cao uỷ Nhân quyền LHQ, Chủ tịch HĐNQ, các Trưởng đoàn và đại diện các quốc gia thành viên và quan sát viên HĐNQ, các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực quyền con người, di cư, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Tại các phiên họp này, các đại biểu đã nhấn mạnh nhiều thách thức mang tính toàn cầu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nỗ lực xoá nghèo bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an sinh xã hội nói chung, và cho phụ nữ và trẻ em gái nói riêng.

Trong đó, nổi lên là tình trạng phân biệt đối xử, bất bình đẳng, trong đó có bất bình đẳng giới tại nhiều nơi trên thế giới bị đại dịch Covid-19 làm trầm trọng hơn và đang cản trở quá trình phục hồi, cũng như tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, mặt trái của quá trình chuyển đổi số, di cư, nguy cơ không hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững trên toàn cầu và tình hình xung đột, bất ổn an ninh - chính trị tại các khu vực.

Các đại biểu nhấn mạnh, hợp tác quốc tế, trong đó có hỗ trợ tài chính, nâng cao năng lực cho các quốc gia đang phát triển và các cộng đồng dễ bị tổn thương, nâng cao nhận thức, bảo đảm sự tham gia đầy đủ của người dân là các hướng giải pháp quan trọng.

Nhóm PV