Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sau hơn 5 năm (từ ngày 23/10/2017) triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) nhằm gỡ cảnh báo "Thẻ vàng", Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực.
Nước ta đã hoàn thiện khung pháp lý để đáp ứng yêu cầu chống khai thác IUU; xây dựng các chương trình, đề án, quy hoạch để phát triển ngành thủy sản bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế; đồng thời, thực hiện cắt giảm số lượng tàu cá và cường lực khai thác; sử dụng hệ thống giám sát tàu cá để giám sát hoạt động của tàu cá trên biển; triển khai việc chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác.
Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển cũng thường xuyên tuần tra, kiểm soát tại các vùng biển giáp ranh, chồng lấn để ngăn chặn, xử lý các tàu cá có hành vi vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Đến nay, cả nước đã có 26/28 tỉnh, thành phố ven biển hoàn thành việc rà soát, kiểm kê tàu cá hiện có tại địa phương, xác định hạn ngạch khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng; 28.797 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên, đạt 97,65%.
Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai thực hiện Luật Thủy sản, các quy định chống khai thác hải sản IUU ở nước ta còn chưa đồng bộ, xuyên suốt giữa các địa phương. Số lượng tàu cá vẫn còn lớn, dẫn đến cường lực khai thác chưa cân bằng với trữ lượng nguồn lợi thủy sản. Công tác kiểm soát tàu cá ra vào còn chưa chặt chẽ, còn tình trạng khai thác sai vùng, chất lượng nhật ký khai thác không đảm bảo. Tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn xảy ra, diễn biến phức tạp...
Tại Hội nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển hồi tháng 6 vừa qua, các đại biểu đã tập trung thảo luận những hạn chế, khó khăn trong chống khai thác IUU. Theo đó, nhiều vấn đề nổi cộm, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tháo gỡ “Thẻ vàng” được đưa ra bàn luận như: ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao; nhiều hình thức tinh vi được sử dụng để đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; hồ sơ truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác xuất khẩu vào thị trường châu Âu mang tính chất đối phó; việc theo dõi, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống VMS… Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc, các đai biểu đã đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác chống khai thác IUU trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương cần tiếp tục khắc phục các tồn tại, hạn chế về chống khai thác IUU theo khuyến nghị của EC trong lần làm việc thứ 3 để chuẩn bị cho đợt kiểm tra lần thứ 4 vào tháng 10 tới đây; tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, giám sát địa phương việc triển khai các quy định chống khai thác IUU để kịp thời đôn đốc, hướng dẫn; chú trọng thực hiện các biện pháp mạnh, kiên quyết ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; kiểm soát nguyên liệu thủy sản khai thác bất hợp pháp nhập khẩu; có phương án điều động, bố trí đủ nhân lực có chuyên môn, nghiệp vụ và kinh phí thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU tại các địa phương; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về thủy sản đến tận người dân khu vực ven biển...