Theo đánh giá của Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt, những dấu ấn từ năm đầu đảm nhiệm thành viên HĐNQ nhiệm kỳ 2023-2025 cũng có những tác động lan toả tích cực đến các mảng công tác đối ngoại về nhân quyền khác.

Đóng góp của Việt Nam tại HĐNQ đã góp phần giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về nỗ lực, cam kết của ta trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, qua đó thúc đẩy quan hệ hợp tác của ta với các nước, các tổ chức quốc tế.

vungcao.png
Cuộc sống ở nhiều vùng sâu, vùng xa đang ngày càng được cải thiện.

Có thể tóm gọn trong đánh giá của Quyền Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam là qua việc thể hiện vai trò thành viên tích cực, có trách nhiệm tại HĐNQ, thúc đẩy các sáng kiến, nhất là Nghị quyết 52/19, cùng với việc triển khai thực hiện nghiêm túc các cam kết UPR, đón thành công Báo cáo viên đặc biệt về quyền phát triển (tháng 11/2023), “Việt Nam đã thể hiện vai trò tiên phong trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người” (Phát biểu khai mạc Hội thảo quốc tế tham vấn dự thảo Báo cáo quốc gia theo Cơ chế UPR chu kỳ IV của Việt Nam, ngày 24/11/2023 của bà Ramla Khalidi, Quyền Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam).

Cũng trong năm 2023, các nội dung về hợp tác tại HĐNQ đã được các nước, trong đó có các đối tác lớn quan tâm thúc đẩy trong trao đổi với Việt Nam, kể cả trong những hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo cấp cao của ta. Các nước bạn bè, đối tác, Đồng quan điểm, ASEAN… cũng đã đẩy mạnh các cơ chế trao đổi sẵn có hoặc tổ chức các hoạt động mới để trao đổi chuyên sâu với Việt Nam về hợp tác tại HĐNQ. Vị thế thành viên HĐNQ cũng góp phần giúp Việt Nam vận động được các nước ủng hộ ta đấu tranh với những hoạt động xuyên tạc tình hình ở Việt Nam tại các cơ chế, diễn đàn Liên hợp quốc.

Nhóm PV