Covid-19 khiến người tiêu dùng và các doanh nghiệp ở Châu Á - Thái Bình Dương quen với nhiều hoạt động online, trong đó có thanh toán kỹ thuật số. Tại Việt Nam, có chuyên gia nhận xét rằng đại dịch đã tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi số đạt kết quả mà thông thường phải mất 10 năm mới thực hiện được.
Có gần đủ phương thức thanh toán được áp dụng tại một quán ăn bình dân ở TP.HCM. (Ảnh: Hải Đăng) |
Khảo sát gần đây của Visa cho thấy phần lớn người tiêu dùng Châu Á – Thái Bình Dương (55%) có khả năng sẽ sử dụng thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại, mặc dù các phương thức này vẫn chưa được phổ biến rộng rãi trong khu vực.
Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng trong việc sử dụng ví điện tử và các ứng dụng thanh toán trong những năm gần đây, với hơn 85% người tiêu dùng Việt Nam sở hữu ít nhất một ví điện tử hoặc ứng dụng thanh toán, và hơn 42% người tiêu dùng sử dụng thanh toán không tiếp xúc bằng thiết bị di động.
Thanh toán bằng ví điện tử được phổ biến đầu tiên tại các cửa hàng tiện lợi, sau đó lan sang các chuỗi quán cà phê lớn. Ở thời điểm hiện tai, người dùng ví điện tử có thể thanh toán tại siêu thị, nhà hàng, trên các trang thương mại điện tử.
Thậm chí, một số tỉnh thành áp dụng thanh toán bằng ví điện tử cho các dịch vụ công. Rất nhiều dịch vụ công từ hải quan, điện lực, thuế,... đã được đưa thanh toán lên mạng.
Chưa kể, trên dưới 20 ứng dụng ngân hàng hiện nay đều có chức năng quét QR Code để thanh toán tại quầy. Các điểm chấp nhận dịch vụ không cần trang bị máy POS mà chỉ cần một bảng in mã QR.
Trước đây, để thanh toán không tiếp xúc hay giao dịch bằng thẻ, các cửa hàng phải có thiết bị thanh toán riêng kết nối Internet. Tuy nhiên những công nghệ mới gần đây không yêu cầu trang bị máy thanh toán, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận dễ hơn với việc chấp nhận thanh toán kỹ thuật số.
“Với 129,5 triệu thuê bao di động và khoảng một nửa trong số đó sử dụng 3G và 4G, Việt Nam đặc biệt thích ứng tốt với việc sử dụng thanh toán không tiếp xúc bằng di động và đã đi trước nhiều nền kinh tế phát triển khi nói đến thanh toán di động,” bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào cho biết.
Thanh toán di động phổ biến vì tính tiện lợi, người dùng không phải mang theo thẻ hay tiền mặt. Khảo sát của Visa với người tiêu dùng trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cho thấy, tính dễ sử dụng là lý do hàng đầu khuyến khích họ sử dụng thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại (52%). Tiếp theo là phương thức này giúp người dùng tiết kiệm thời gian (51%) và giảm phụ thuộc vào tiền mặt (50%).
Bên cạnh lý do tiện lợi, thanh toán di động hay không tiếp xúc cũng giảm nguy cơ rủi ro lộ thông tin so với khi thanh toán bằng thẻ vật lý. 43% người tiêu dùng cho biết tính bảo mật là yếu tố thúc đẩy họ sử dụng thanh toán không tiếp xúc bằng di động.
Trên thực tế, khi thanh toán bằng điện thoại, các thông tin thẻ được lưu trong ứng, đặt lên vai các nhà cung cấp nhiệm vụ phải bảo mật các thông tin này.
Do đó, các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại buộc phải sử dụng nhiều lớp bảo mật cho cả người mua và người bán nhằm đảm bảo những tiêu chuẩn cao về an toàn thanh toán. Mỗi giải pháp đều trải qua quy trình chứng nhận chuyên sâu bao gồm đánh giá bảo mật bởi các chuyên gia an ninh. Các giải pháp này cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn được phát triển và xác lập bởi Hội đồng Tiêu chuẩn Bảo mật (PCI).
Sau tiện lợi khi thanh toán di động tại quầy, xu hướng sắp tới có thể tiến tới thanh toán tại bàn. Hơn một nửa người được khảo sát (56%) cho biết họ muốn có thể thanh toán ngay tại chỗ ngồi khi dùng bữa ở các nhà hàng.
Với 71% người dùng sử dụng ví điện tử hoặc các ứng dụng thanh toán ít nhất một lần một tuần, đại diện Visa cho rằng nhu cầu của người tiêu dùng đối với các phương thức thanh toán và công nghệ hiện đại đang tạo ra cơ hội mới cho doanh nghiệp. Tăng cường phương thức thanh toán không tiếp xúc bằng di động là một trong các giải pháp sẽ thúc đẩy thị trường thanh toán kỹ thuật số của Việt Nam.
Hải Đăng
Người dùng xác thực ví điện tử tăng nhanh khi hạn chót 7/7 cận kề
Các ví điện tử cho biết lượng khách hàng tiến hành xác thực thông tin đang tăng mạnh trước hạn chót 7/7.