Từ ngày 25 đến ngày 27/12/2023, tại Thành phố Ninh Bình đã diễn ra Cuộc họp thường niên lần thứ 33 giữa hai Đoàn đại biểu biên giới Việt Nam - Lào.
Trên tinh thần quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, hai Bên đã trao đổi, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa hai Chính phủ Việt Nam - Lào năm 2016 (sau đây gọi là "Hiệp định Quy chế biên giới 2016"); Biên bản Cuộc họp thường niên lần thứ XXXII giữa hai Đoàn đại biểu biên giới hai nước, kết quả hợp tác trong năm 2023 và đề ra phương hướng hợp tác, trọng tâm công tác trong năm 2024.
Hai bên nhận định, trong năm 2023, các lực lượng chức năng và địa phương hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới, tổ chức thực hiện hiệu quả Hiệp định Quy chế biên giới 2016, duy trì đường biên giới ổn định, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hoạt động tội phạm và hành vi xâm phạm đường biên, mốc giới; duy trì quan hệ khăng khít, đoàn kết, gắn bó thông qua chế độ giao ban định kỳ, trao đổi thông tin và tuần tra song phương...
Tại Cuộc họp, Trưởng đoàn Đại biểu biên giới hai Bên đã trao đổi sâu rộng và thống nhất nhận thức chung quan trọng về phương hướng, nhiệm vụ hợp tác năm 2024 gồm:
Tiếp tục phối hợp thực hiện tốt Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới, Hiệp định Quy chế biên giới 2016;
Khắc phục khó khăn, phối hợp trong việc triển khai xây dựng lại, khôi phục lại các cột mốc bị hư hỏng, lũ cuốn trôi, trong đó ưu tiên xử lý các trường hợp hư hỏng, sạt lở nghiêm trọng…;
Chủ động, tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông để thúc đẩy triển khai công tác mở, nâng cấp cửa khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và giao lưu giữa các địa phương hai bên biên giới, bảo đảm hiệu quả hoạt động cũng như tính tương thích, đồng bộ giữa hai bên; ưu tiên mở, nâng cấp các cặp cửa khẩu đã đảm bảo các tiêu chí theo quy định pháp luật nội bộ mỗi nước;
Cơ quan chức năng hai Bên trao đổi, thống nhất mẫu giấy tờ tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân biên giới qua lại;
Chú trọng đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, đặc biệt cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng số… hướng tới từng đối tượng tuyên truyền cụ thể nhằm tăng tính thời sự, tính lan tỏa và hiệu quả của công tác này;
Tăng cường việc tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ hai nước về quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt Việt Nam - Lào ... và khởi động việc nghiên cứu, rà soát các nội dung cần cập nhật, sửa đổi, bổ sung của Hiệp định Quy chế biên giới 2016 để đảm bảo tính đồng bộ, dễ thực hiện và phù hợp với tình hình mới.
Kết thúc Cuộc họp, hai Bên đã ký Biên bản ghi nhận các nội dung đã thống nhất và nhất trí tổ chức Cuộc họp thường niên lần thứ 34 giữa hai Đoàn đại biểu biên giới Việt Nam - Lào vào cuối Quý IV năm 2024 tại Lào.
Đường biên giới Việt Nam và Lào có chiều dài 2.337,459 km, điểm khởi đầu ở vị trí là giao điểm đường biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc, ở đỉnh núi Khoan La San, tỉnh Điện Biên; điểm kết thúc là giao điểm đường biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia thuộc khu vực cửa khẩu quốc tế Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kom Tum.
Đường biên giới Việt Nam – Lào chủ yếu đi theo hướng Bắc - Nam qua 10 tỉnh của Việt Nam là: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Kon Tum và 10 tỉnh của Lào là: Phông Sa Lỳ, Luông Pha Băng, Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bô Ly Khăm Xay, Khăm Muộn, Sạ Vẳn Nạ Khệt, Sả Lạ Văn, Sê Kông và Ắt Tạ Pư.
Hiện nay, trên biên giới Việt – Lào có tổng số 33 cặp cửa khẩu đang hoạt động, trong đó có 9 cặp cửa khẩu quốc tế, 6 cặp cửa khẩu chính và 18 cặp cửa khẩu phụ.