Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Công an cho biết, Công ước Chống tra tấn chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 7/3/2015.

Kể từ đó đến nay, Việt Nam luôn nỗ lực thực thi Công ước và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc bảo đảm các quyền con người được cộng đồng quốc tế ghi nhận, trong đó, có nỗ lực xây dựng Báo cáo quốc gia về thực thi Công ước (đây là nghĩa vụ của quốc gia thành viên được quy định tại Điều 19 Công ước).

hoithao.png
Hội thảo “Tham vấn ý kiến đối với dự thảo Báo cáo quốc gia lần thứ hai của Việt Nam về thực thi Công ước Chống tra tấn (CAT)” tại Cần Thơ.

Từ khi trở thành thành viên đến nay, Việt Nam đã nộp hai báo cáo lên Ủy ban Chống tra tấn, đó là Báo cáo quốc gia lần thứ nhất về thực thi Công ước Chống tra tấn (nộp năm 2017) và Báo cáo giữa kỳ (nộp năm 2020).

Để chuẩn bị cho kỳ báo cáo lần này, Ban soạn thảo Báo cáo do Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành ở Trung ương hoàn thiện dự thảo Báo cáo và nhiều lần lấy ý kiến của các bộ, ngành, đơn vị, cá nhân, tổ chức có liên quan cập nhật thông tin, số liệu và các nội dung của Báo cáo.

Đến nay, dự thảo Báo cáo và các phụ lục đã cơ bản hoàn thiện, đáp ứng các yêu cầu về nội dung và hình thức. Báo cáo đã được Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an từ tháng 9/2023.

Theo quy định của Công ước CAT, quá trình xây dựng Báo cáo phải bảo đảm có sự tham gia đóng góp ý kiến rộng rãi của các cơ quan Chính phủ, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ và người dân nhằm đảm bảo tính khách quan, toàn diện và đầy đủ.

Trên tinh thần đó, Hội thảo là thủ tục thiết yếu, quan trọng để hoàn thiện Báo cáo quốc gia lần thứ hai về thực thi Công ước trước khi có thể tiến hành các công việc tiếp theo để phê duyệt Báo cáo và gửi lên Ủy ban Chống tra tấn.

Linh Trang và nhóm PV, BTV