Trong phiên họp vừa diễn ra hồi tháng 6 vừa qua, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vừa bầu các chức danh Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Đại hội đồng. Việt Nam trở thành một trong những Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 77 đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Quang cảnh phiên họp bầu các chức danh Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc là một trong 6 cơ quan chính  của LHQ và là cơ quan duy nhất của LHQ có đại diện của tất cả thành viên. Đại hội đồng Liên Hợp Quốc có thẩm quyền rộng trong các lĩnh vực hợp tác chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, có quyền thảo luận và đưa ra kiến nghị về các vấn đề thuộc phạm vi Hiến chương hoặc bất kỳ vấn đề nào thuộc thẩm quyền của các cơ quan của LHQ, nhằm mục đích thúc đẩy sự hợp tác quốc tế trên phạm vi toàn cầu.

Chủ tịch và các Phó Chủ tịch của Đại hội đồng có vai trò rất quan trọng trong điều hành các hoạt động của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, trong đó có những hoạt động ở cấp rất cao như Tuần lễ cấp cao của Đại hội đồng với sự tham dự hàng năm của hàng trăm nguyên thủ và lãnh đạo cấp cao các nước. Đó còn là các hội nghị thượng đỉnh về nhiều lĩnh vực như Hội nghị thượng đỉnh về phát triển bền vững hoặc trong các lĩnh vực về hòa bình, an ninh quốc tế và các hoạt động khác.

Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc cũng có vai trò trọng tâm trong dẫn dắt quá trình xây dựng các văn kiện, ý tưởng để thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Đặc biệt, Đại hội đồng có vai trò rất quan trọng trong việc tìm kiếm tiếng nói chung khi có những khác biệt hay mâu thuẫn giữa các quốc gia thành viên, qua đó tạo dựng đồng thuận, đoàn kết của cộng đồng quốc tế nói chung trong việc xử lý các thách thức chung đặt ra. 

Việc Việt Nam trúng cử vị trí này có ý nghĩa rất lớn, đặc biệt là khi năm nay kỷ niệm 45 năm ngày Việt Nam trở thành thành viên của Liên Hợp Quốc (1977-2022).

Điều khá đặc biệt của lần bầu cử này là Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã đồng thuận thông qua danh sách cả Chủ tịch và các Phó Chủ tịch. Do đó, có thể hiểu là tất cả 193 quốc gia thành viên đã ủng hộ Việt Nam và các nước khác với vai trò này. Đối với Việt Nam, đây là thể hiện sự ủng hộ tương đối nhất quán của các nước thành viên Liên Hợp Quốc.

Theo Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế, sự kiện này tạo ra một số thế mạnh cho Việt Nam:

Thứ nhất, chúng ta đã tạo dựng được trong thời gian qua. Vị thế của Việt Nam đã được khẳng định rõ nét trong cộng đồng quốc tế nói chung và trong công việc của Liên Hợp Quốc nói riêng. Việt Nam vừa hoàn thành tốt nhiệm kỳ tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc; đang là thành viên của Ủy ban Luật pháp quốc tế; thành viên của Hội đồng chấp hành tổ chức Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế; thành viên của Hội đồng chấp hành UNESCO; thành viên của Hội đồng khai thác của Tổ chức Bưu chính thế giới. Điều này thể hiện sự tín nhiệm của các nước đối với Việt Nam rất đa dạng trên nhiều lĩnh vực.

Thứ hai Việt Nam có khi đảm nhận vị trí này là lực lượng cán bộ được đào tạo, trải qua nhiều cơ chế, diễn đàn, đặc biệt là nhiệm kỳ vừa qua tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Do đó, Đại sứ, Trưởng phái đoàn và các cán bộ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc rất dày dạn kinh nghiệm. Họ còn có sự hậu thuẫn rất lớn từ trong nước, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành khác để có thể tự tin tham gia điều hành, dẫn dắt các hoạt động của Đại hội đồng trong thời gian tới.

Việc Việt Nam làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng trong năm tới cũng sẽ giúp tạo đà để Việt Nam có thể tiếp tục nắm giữ các vị trí quan trọng ở các cơ chế khác của Liên Hợp Quốc.

Với tư cách là một trong những Phó Chủ tịch của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Việt Nam sẽ cùng Chủ tịch và các Phó Chủ tịch khác tham gia điều hành các hoạt động của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Theo đó, Việt Nam sẽ tham gia thúc đẩy, tổ chức các sự kiện cấp cao và các sự kiện khác của Đại hội đồng; tham gia dẫn dắt và điều hành việc xây dựng các văn kiện, sáng kiến của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Việt Nam cũng có thể phát huy vai trò của mình trong xử lý những khác biệt giữa các quốc gia, tạo dựng đồng thuận trong các quyết định của Đại hội đồng.

Việt Nam xác định mục tiêu là tiếp tục tham gia chủ động, tích cực và toàn diện trong các lĩnh vực như: Hòa bình và an ninh quốc tế; thúc đẩy giải trừ quân bị; thúc đẩy tiến trình xây dựng chương trình nghị sự mới về hòa bình của Liên Hợp Quốc, trong đó có những thành tố rất quan trọng về các hoạt động gìn giữ hòa bình, về tăng cường lòng tin, về thúc đẩy ổn định chiến lược để tạo dựng môi trường hòa bình chung trên thế giới; giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp quốc tế.

Bên cạnh đó là các lĩnh vực trọng tâm khác như: Việc thực hiện các cam kết quốc tế về phát triển bền vững, xử lý các thách thức chung hiện nay như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, môi trường, thúc đẩy chuyển đổi xanh, chuyển đổi số phục vụ cho quá trình phục hồi và phát triển KT-XH của các nước. Đặc biệt, với tư cách là một nước đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương; là tiếng nói của các nước đang phát triển, Việt Nam sẽ đề cao nhu cầu hợp tác quốc tế, nhu cầu về nguồn lực công nghệ, hỗ trợ cho tiến trình này ở các nước đang phát triển.

Dự kiến Việt Nam sẽ tham gia tích cực trong tổ chức và điều hành một số sự kiện cấp cao quan trọng của Đại hội đồng trong thời gian tới, trong đó có Phiên thảo luận chung cấp cao vào tháng 9/2022; Hội nghị thượng đỉnh về chuyển đổi giáo dục cũng trong tháng 9/2022 và Hội nghị thượng đỉnh về tương lai được Liên Hợp Quốc dự kiến tổ chức trong năm 2023. 

Hồ Nhụy, Vân Anh, Ngọc Dũng