Ông Sugano Yuichi, Trưởng đại diện JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) tại Việt Nam cho biết, vùng ĐBSCL có tiềm năng phát triển kinh tế to lớn, tuy nhiên đặc điểm địa hình bị chia cắt khiến hệ thống giao thông đường bộ thiếu tính kết nối, trở thành điểm nghẽn không phát huy được hết tiềm năng phát triển vốn có.

Ngoài ra, vùng này dễ bị tổn thương và ảnh hưởng nhất khi nước biển dâng do biến đổi khí hậu. Những năm gần đây, nơi đây phải gánh chịu nhiều thiệt hại ngày càng nghiêm trọng do ảnh hưởng của các hiện tượng thời tiết cực đoan như xâm nhập mặn, lũ lụt, hạn hán…

“Nhận thức được tầm quan trọng của khu vực ĐBSCL đối với sự phát triển của Việt Nam, JICA luôn coi trọng các hợp tác đối với khu vực này. Trong nhiều năm qua JICA đã cung cấp các khoản vay ODA, viện trợ không hoàn lại, hợp tác kỹ thuật, phái cử tình nguyện viên, hợp tác kỹ thuật cấp cơ sở… trên nhiều lĩnh vực như giao thông năng lượng, phát triển nguồn nhân lực, y tế…”, ông Sugano Yuichi chia sẻ.

Ông Sugano Yuichi, Trưởng đại diện JICA.

JICA đã hỗ trợ Việt Nam nhiều dự án đầu tư phát triển, trong đó có các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ngành GTVT. Đối với lĩnh vực đường bộ bao gồm nhiều dự án cầu và đường (cầu Bãi Cháy, Cần Thơ, Nhật Tân…đường nối sân bay Nội Bài, Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi…)

Đơn cử như dự án xây dựng cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu, nối tỉnh Vĩnh Long và TP Cần Thơ, là cầu dây văng có nhịp chính dài nhất tại khu vực Đông nam Á. Cầu được đầu tư hơn 4.8000 tỷ đồng từ nguồn viện trợ của Chính Phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Việt Nam. Cầu Cần Thơ hoàn thành góp phần giải quyết ùn tắc giao thông tuyến Quốc lộ 1, đáp ứng niềm mong mỏi của hàng triệu người dân vùng ĐBSCL.

Cầu Cần Thơ là cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á (khoảng 550m).

Bên cạnh hỗ trợ xây dựng các cây cầu có quy mô lớn, JICA còn hỗ trợ cải tạo, xây mới hệ thống cầu yếu, cũ trên mạng lưới đường bộ, bao gồm quốc lộ và các tỉnh lộ. Sau nhiều năm thực hiện, đã có 242 cây cầu trên địa bàn 43 tỉnh/thành được cải tạo, xây mới; chỉ tính riêng tại khu vực ĐBSCL đã có tới 104 cây cầu được đầu tư với tổng giá trị hơn 6.700 tỷ đồng. 

Hàng trăm cây cầu đi vào hoạt động đã góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật của vùng ĐBSCL một cách đồng bộ, nâng cao chất lượng cuộc sống, đời sống văn hóa tinh thần của người dân và tạo động lực phát triển KT-XH của vùng.

Minh Thu và nhóm PV, BTV