Việc Vietcombank liên tiếp 8 lần đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã thể hiện hiệu quả hoạt động, ổn định, chất lượng tài sản vượt trội và dịch vụ đa dạng uy tín trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Với phương châm hành động “Chuyển đổi - Hiệu quả - Bền vững” và quan điểm chỉ đạo điều hành “Trách nhiệm - Quyết liệt - Sáng tạo”, năm 2022, toàn hệ thống Vietcombank đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả kinh doanh tích cực: quy mô kinh doanh tăng trưởng tốt, chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, kết quả kinh doanh đảm bảo tiến độ.
Đồng thời Vietcombank tích cực triển khai chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, đặc biệt là triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong giai đoạn 2022 - 2023 và các giải pháp hỗ trợ khác của ngành ngân hàng, nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh song song với việc không ngừng đổi mới chất lượng sản phẩm dịch vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Trong bối cảnh khó khăn thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia nói riêng không chỉ thể hiện xuất sắc nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, tạo việc làm cho hàng triệu lao động mà còn nêu cao tinh thần trách nhiệm xã hội, chung tay với cả nước phòng chống dịch Covid-19, hỗ trợ người dân khắc phục bão lụt và nhiều hoạt động, nghĩa cử cao đẹp khác.
Các doanh nghiệp đã thể hiện giá trị nhân văn, văn hóa doanh nghiệp, góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế. Qua đó, có thể thấy kết quả đạt được trong việc thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam là đáng trân trọng, nhưng chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm và có quyết tâm cao hơn, nỗ lực hơn, cố gắng hơn.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Tạo được thương hiệu rất khó, duy trì thương hiệu khó gấp trăm nghìn lần”.
Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung trong thời gian tới cần tập trung khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh, phát triển mạnh mẽ thị trường nội địa, thúc đẩy xuất khẩu thông qua các biện pháp nâng cao giá trị thương hiệu, kết hợp xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp với thương hiệu quốc gia Việt Nam, tạo ra giá trị cho xã hội.
Các doanh nghiệp cần tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường quốc tế và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hình ảnh đẹp của mỗi thương hiệu quốc gia sẽ là hình ảnh đẹp về thương hiệu của đất nước, truyền thống, văn hóa, con người Việt Nam. Không ngừng củng cố, nâng cao uy tín, chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm, thương hiệu Việt thông qua hệ thống sản xuất, quản trị kinh doanh tiên tiến và hoạt động tài chính công khai, minh bạch, lành mạnh; không ngừng đổi mới, sáng tạo, phát triển ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng các cải tiến kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đào tạo đội ngũ người lao động có trình độ, kỹ năng, chuyên nghiệp, nhất là nhân lực chất lượng cao, phục vụ kịp thời yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh, hội nhập trên các lĩnh vực...
Minh Yến