- Nhận định ngay từ khi bắt đầu thực hiện hành vi phạm tội, Huyền Như đã sử dụng nhiều thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của các đơn vị, cá nhân. Vietinbank không biết, không liên quan nên Vientinbank không phải bồi thường.

Toàn cảnh vụ xét xử siêu lừa Huyền Như

Xem clip tại đây

Liên quan đến "đại án" Huyền Như, phần trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm. 

Trong phần tuyên án, HĐXX nhận thấy tại tòa tất cả các luật sư bảo vệ cho nguyên đơn dân sự và bị hại đều cho rằng phải đưa Vietinbank vào tham gia tố tụng với tư cách là bị đơn dân sự. Các đơn vị, cá nhân trên đồng thời yêu cầu Vietinbank phải bồi thường thiệt hại trong vụ án.

HĐXX lần lượt phân tích quá trình Như lừa đảo, chiếm đoạt tài sản từng đơn vị cá nhân bị thiệt hại trong vụ án.

{keywords}
Các bị cáo đứng nghe tòa tuyên án 

Đối với ba công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên bị chiếm đoạt tổng cộng hơn 1.598 tỷ đồng. HĐXX nhận thấy Vietinbank không có chủ trương huy động vốn của 3 công ty nói trên, ông Hà Anh Tuấn - giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè không đồng ý với mức lãi suất ngoài hợp đồng quá cao. 

Sau đó, Như vẫn lấy danh nghĩa huy động vốn về Vietinbank - chi nhánh Nhà Bè nhưng lại mở tài khoản và các công ty trên gửi tiền về Vietinbank - chi nhánh TP.HCM. Vietinbank không hề hay biết nên không thể nói Vietinbank phải bồi thường.

Đối với Công ty An Lộc, do mức lãi suất cao hấp dẫn nên khi chưa ký hợp đồng, Tổng giám đốc còn đi công tác nước ngoài nhưng Công ty An Lộc đã chuyển tiền theo yêu cầu của Như. Việc làm trên đã tạo điều kiện cho Như lừa đảo. Vietinbank không biết về việc làm trên, cũng không có chủ trương huy động vốn của công ty trên.

{keywords}
Bị cáo Huyền Như tại tòa sáng 27/1

Đối với Navibank, luật sư cho rằng gửi tiền là hoàn toàn hợp pháp, chỉ có sai sót là hưởng lãi suất vượt trần. HĐXX xét thấy Như chỉ đề xuất, báo cáo lãnh đạo Vietinbank về mức lãi suất trong hợp đồng, không báo cáo lãi suất ngoài hợp đồng do đó Vietinbank mới ký hợp đồng với Navibank. 

Do có ý định chiếm đoạt tiền của Navibank từ trước nên Như đã dùng thủ đoạn gian đối để Navibank núp bóng dưới các cá nhân gửi tiền. Sau đó, Như dùng nhiều thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của Navibank nên không có cơ sở cho rằng Vietinbank bồi thường.

Đối với 718 tỷ đồng của ACB, HĐXX xét thấy trước hết về số tiền 668 tỷ đồng, khi Như đã vận động ban lãnh đạo ACB gửi tiền nhưng không báo cáo cho Vietinbank biết về mức lãi suất thực tế ngoài hợp đồng. 

Do Như đã chuẩn bị cho việc chiếm đoạt từ trước nên trong hợp đồng Như ghi bên A có quyền tự trích tiền của bên B sang tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng. Các cá nhân của ACB do đã thanh lý hợp đồng trách nhiệm với ACB nên họ không quan tâm tiền chuyển đi đâu, số dư bao nhiêu, không lấy thẻ tiết kiệm...

Sau đó, bị cáo Như đã lấy thẻ tiết kiệm trên giả chữ ký của chủ thẻ thế chấp vay tiền. Vietinbank không biết, không liên quan nên không thể chấp nhận việc cho rằng Vietinbank phải bồi thường.

Tương tự với các trường hợp còn lại, Như đã giả danh Vietinbank đứng lên huy động vốn của các đơn vị, cá nhân. Vietinbank không có chủ trương huy động vốn với mức lãi suất cao, không liên quan đến quá trình bị cáo Như lừa đảo...Do đó, Vietinbank không có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại trong vụ án.

HĐXX tuyên buộc các bị cáo đã có hành vi giúp sức Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đơn vị, cá nhân phải liên đới bồi thường.

Như vậy, "đại án" Huyền Như đã tạm khép lại với mức án tù chung thân dành cho Huỳnh Thị Huyền Như, trách nhiệm bồi thường gần 4.000 tỷ đồng thuộc về Huyền Như và một số bị cáo giữ vai trò giúp sức trong vụ án.

Ngoài kiến nghị xử lý 8 đối tượng khác có hành vi giúp Như chiếm đoạt 180 tỷ đồng của VIB mà chưa bị truy cứu trách nhiệm. HĐXX cũng kiến nghị khởi tố bổ sung, làm rõ trách nhiệm như đề nghị của VKS trước đó đối với một số cá nhân, lãnh đạo khác.

M.Phượng