1.jpg
Viettel đang đặt mục tiêu lọt vào Top 30 nhà khai thác viễn thông lớn nhất thế giới. Ảnh: TH

Viettel đi theo mô hình đặc biệt

Theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Viettel là tập đoàn đa sở hữu, trong đó sở hữu Nhà nước là chi phối, bao gồm các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, các doanh nghiệp đa sở hữu; hoạt động theo hình thức công ty mẹ - công ty con được thành lập trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Tổng Công ty Viễn thông Quân đội và các đơn vị thành viên hiện tại. Tập đoàn Viettel sẽ là đơn vị đầu tiên hoạt động theo mô hình tập đoàn trực thuộc Bộ chủ quản, hoạt động kinh doanh đa ngành nghề trong đó viễn thông và CNTT là ngành kinh doanh chính. Ngoài ra, Viettel còn đầu tư nghiên cứu phát triển và sản xuất phần cứng, phần mềm thiết bị điện tử, viễn thông, CNTT và thông tin quân sự…

Thiếu tướng Hoàng Anh Xuân, Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, việc hình thành tập đoàn với việc đa dạng hoá ngành nghề, mở rộng thị trường, tăng tính liên kết giữa các ngành nghề trong tập đoàn, tích tụ nguồn lực lớn, hỗ trợ lẫn nhau giữa các ngành nghề sẽ giúp tập đoàn có năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp khác, đặc biệt là tăng tính cạnh tranh khi hội nhập kinh tế quốc tế. Như vậy, Viettel đã trở thành tập đoàn kinh tế đầu tiên của Bộ Quốc phòng, tập đoàn thứ 2 trong ngành viễn thông và CNTT, tập đoàn thứ 9 và cũng là trẻ nhất của Việt Nam.

Do cơ chế đặc thù trong Quân đội, Đảng uỷ Tập đoàn Viettel sẽ thực hiện vai trò và chức năng giống như Hội đồng quản trị như ở các tập đoàn hiện có. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel cho biết, sở dĩ Viettel đưa ra mô hình này bởi mô hình có Hội đồng quản trị là đại diện cho nhiều chủ sở hữu, nhưng Viettel chỉ có một chủ sở hữu là doanh nghiệp nhà nước nên không nhất thiết phải có Hội đồng quản trị. Trong mô hình tổ chức quân đội có mô hình lãnh đạo trực tiếp và Đảng lãnh đạo toàn diện nên Đảng uỷ có thể thay Hội đồng Quản trị để ra quyết sách lớn.

“Mô hình không có hội đồng quản trị có ưu điểm là ít lớp quản lý nên ra quyết định nhanh và phản ứng nhanh hơn. Chúng tôi dự đoán mô hình của Viettel nếu không có Hội đồng quản trị sẽ tốt hơn nên đề nghị Chính phủ cho thử nghiệm mô hình này”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Khẳng định vị thế

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, những công ty chủ lực trong một lĩnh vực mà nhà nước nắm giữ sẽ được thành lập tập đoàn. Việc Viettel được phép trở thành một tập đoàn kinh tế là một sự khẳng định vị trí chủ lực của Viettel trong ngành bưu chính, viễn thông, CNTT. Với việc Viettel lên tập đoàn thì ngành CNTT-Viễn thông đã có 2 tập đoàn kinh tế. Điều đó cũng thể hiện Chính phủ đã coi ngành này là ngành mũi nhọn. Như vậy, Viettel có thể trở thành một trong những “quả đấm thép” của Việt Nam và Chính phủ có thể sử dụng trong việc điều hành nền kinh tế khi cần thiết. Đặc biệt, trong thời điểm Chính phủ muốn đưa Việt Nam trở thành cường quốc về CNTT.

Viettel đang đặt mục tiêu lọt vào Top 30 nhà khai thác viễn thông lớn nhất thế giới, top 10 công ty đầu tư ra nước ngoài về viễn thông; doanh thu đạt 15 tỷ USD vào năm 2015 và 30 tỷ USD vào năm 2020. Năm 2009, Viettel đã đạt doanh thu 60.000 tỷ đồng. Hiện Viettel có mạng lưới viễn thông lớn nhất Việt Nam với 24.000 trạm phát sóng BTS, trên 100.000 km cáp quang phủ hết 100% huyện trên đất liền và 75% xã trên cả nước. Đại diện Viettel cho biết, sau 10 năm bước vào kinh doanh dịch vụ viễn thông (từ tháng 10/2000), doanh thu của doanh nghiệp đã tăng đến 1.500 lần, từ 30 - 40 tỷ đồng năm 1999 lên 60.000 tỷ đồng năm 2009. Sau 9 năm kể từ năm 2000, vốn chủ sở hữu cũng đã tăng từ 2,3 tỷ đồng lên 22.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ TT&TT: “Tên gọi Tổng công ty đã trở nên chật hẹp”

Có thể nói Viettel là điểm sáng của doanh nghiệp Việt Nam trong đổi mới và hội nhập quốc tế trong cơ chế thị trường. Sự phát triển mạnh mẽ của Viettel đã làm cho tên gọi Tổng công ty Viễn thông Quân đội trở nên chật hẹp và không phù hợp với mục tiêu của doanh nghiệp này trong tương lai. Vì vậy, Chính phủ đã nâng cấp Viettel từ Tổng công ty lên tập đoàn. Đây là sự đánh giá đầy đủ thành tích và đóng góp của Viettel trong những năm qua. Bộ TT&TT chúc mừng Viettel nhân sự kiện này. Bộ TT&TT mong muốn Viettel sẽ vươn lên trở thành doanh nghiệp công nghiệp, dịch vụ thông tin truyền thông hiện đại làm chủ quốc gia và vững vàng vươn ra quốc tế.  

Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 6 ra ngày 13/1/2010