Hướng tới xây dựng nông thôn mới phát triển ổn định, bền vững
Từ quan điểm lấy “Nông thôn mới là nền tảng, cơ cấu lại nông nghiệp là căn bản, nhân dân là chủ thể”, bên cạnh việc tiếp tục củng cố, xây dựng các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới, Vĩnh Phúc chú trọng tập trung xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; hướng tới xây dựng nông thôn mới phát triển ổn định, bền vững.
Thực hiện chương trình này, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 100% huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; ít nhất 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 50% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 15% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu; 30% số thôn được công nhận đạt chuẩn thôn dân cư nông thôn kiểu mẫu.
Theo Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Vĩnh Phúc, đến hết tháng 6/2023 tỉnh công nhận thêm được 02 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu, nâng tổng số thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu toàn tỉnh là 89 thôn, có 01 thôn đạt chuẩn thôn thông minh; 100% số xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2019 đang tiếp tục thực hiện duy trì đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó, có 30/102 xã đã hoàn thành phê duyệt QHCXD xã (huyện Vĩnh Tường: 04 xã; huyện Yên Lạc: 08 xã; huyện Sông Lô: 12 xã; huyện Lập Thạch: 06 xã); các xã còn lại trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện. UBND các huyện Tam Dương, Lập Thạch và Sông Lô đang triển khai các bước của Quy hoạch xây dựng vùng huyện; UBND các huyện Vĩnh Tường, Tam Đảo và Bình Xuyên đang xác định các khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn, khu chức năng dịch vụ hỗ trợ sản xuất cấp huyện trong các đồ án Quy hoạch chung đô thị loại IV.
Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện hỗ trợ 737,5 tấn giống lúa mới các loạitrên diện tích 14.749,28 ha; hỗ trợ giống thủy sản, số lượng 1.293 nghìn con cá giống (275,7 nghìn con cá trắm, 539,7 nghìn con cá chép, 477,6 nghìn con cá rô phi) trên diện tích 79,8 ha; phối hợp với UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm và phun khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi đợt 1/2023 đảm bảo kế hoạch đề ra.
Từ đầu năm đến nay, Vĩnh Phúc đã lựa chọn được 38 phương án sản xuất kinh doanh và tổ chức tập huấn triển khai phương án sản xuất kinh doanh cho các chủ thể tham gia Chương trình OCOP. Hiện toàn tỉnh có 307 HTX nông nghiệp, tăng 10,42% so với năm 2021; riêng 6 tháng đầu năm nay thành lập mới 06 HTX nông nghiệp đạt 120% KH năm.
Đặc biệt, nhờ sự nỗ lực quyết tâm cao của nhân dân và cả hệ thống chính trị, đến nay toàn tỉnh chỉ còn 3.405 hộ nghèo đa chiều (giảm 1.802 hộ so với cùng kỳ năm 2021), tỷ lệ chiếm 0,99% tổng số hộ dân toàn tỉnh. Trong đó, số hộ nghèo ở khu vực thành thị là 746 hộ, chiếm 0,74% số hộ dân vùng thành thị; số hộ nghèo ở khu vực nông thôn là 2.659 hộ, chiếm 1,09% số hộ dân vùng nông thôn. Có 4 địa phương có tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%, gồm thành phố Vĩnh Yên, thành phố Phúc Yên, huyện Bình Xuyên, huyện Tam Dương.
Tổng số hộ cận nghèo đa chiều là 5.881 hộ, chiếm tỷ lệ 1,70% tổng số hộ dân. Tính đến cuối năm 2022, 100% các xã đạt về tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trong xây dựng nông thôn mới theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025. Toàn bộ 102/102 xã trong toàn tỉnh không còn nhà tạm, nhà dột nát; số nhà ở đạt tiêu chuẩn chiếm 97,34%.
Rà soát, triển khai thực hiện tốt nguồn kinh phí đã phân bổ trong năm 2023
Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, Vĩnh Phúc đã tập trung huy động các nguồn lực, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân để đưa các xã, thôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Qua đó, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Sau hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Khước yêu cầu các huyện, thành phố kiện toàn Ban Chỉ đạo và kết quả, kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; rà soát, triển khai thực hiện tốt nguồn kinh phí đã phân bổ trong năm 2023.
Đồng thời, chỉ đạo các phòng, chuyên môn, xã, thị trấn rà soát, đánh giá kết quả thực hiện duy trì các xã đạt chuẩn nông thôn mới, từ đó, đề xuất, kiến nghị giải pháp cụ thể để thực hiện đối với các tiêu chí, chỉ tiêu chưa đạt chuẩn theo quy định trong giai đoạn 2021 - 2025, nhất là các tiêu chí như: Thu nhập, môi trường, chất lượng môi trường sống, quốc phòng - an ninh…; kiên quyết thu hồi quyết định đạt chuẩn đối với các xã không đạt.
Phó Chủ tịch tỉnh yêu cầu các huyện Vĩnh Tường, Tam Dương, Tam Đảo, Sông Lô, Lập Thạch chủ động phối hợp với các sở, ngành rà soát, đánh giá kết quả thực hiện tiêu chí, chỉ tiêu huyện nông thôn mới, đề xuất giải pháp, kế hoạch hoàn thành mục tiêu huyện nông thôn mới.
Các huyện, thành phố: Yên Lạc, Bình Xuyên, Phúc Yên, Vĩnh Yên đã được công nhận đạt chuẩn huyện, thành phố đạt chuẩn/hoàn thành nông thôn mới tập trung đánh giá lại kết quả duy trì các tiêu chí nông thôn mới, có kế hoạch đối với những tiêu chí cần duy trì, nâng cao chất lượng; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Đặc biệt, cần hỗ trợ các địa phương đang thực hiện xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu sớm hoàn thành các tiêu chí để được công nhân thôn nông thôn mới kiểu mẫu.
Ông Nguyễn Văn Khước đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh thường xuyên theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại các địa phương, kịp thời đề xuất tỉnh giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với tiêu chí được giao phụ trách. Trong đó, đặc biệt chú ý đến những tiêu chí: Cơ sở vật chất, văn hóa, tổ sản xuất phát triển kinh tế nông thôn, môi trường, an toàn thực phẩm, chất lượng môi trường sống… để có những giải pháp phù hợp khắc phục khó khăn, sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu mẫu theo đúng chỉ đạo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.