Thông tin chung về tình hình cung ứng điện tại tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020, điện thương phẩm toàn tỉnh tăng trưởng bình quân 14,27%/năm; giai đoạn 2021-2022 là 9,23%/năm. Đánh giá chung, EVN đã đảm bảo cung cấp điện cho các phụ tải trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hiện tại, tỉnh Vĩnh Phúc được cấp điện từ 2 trạm biến áp 220kV (trạm Vĩnh Yên công suất 250MVA, trạm Vĩnh Tường công suất 250MVA) và các đường dây 110kV liên kết với lưới điện TP. Hà Nội và tỉnh Phú Thọ.
Theo dự thảo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2030, đến năm 2030, Vĩnh Phúc sẽ có 24 khu công nghiệp và 51 cụm công nghiệp. Phó Tổng giám đốc EVN Phạm Hồng Phương cho biết, để đảm bảo cung cấp điện cho tỉnh, các đơn vị thành viên của EVN đã và đang triển khai đầu tư xây dựng nhiều công trình lưới điện trên địa bàn.
Cụ thể, về lưới điện truyền tải 220-500kV, hiện EVNNPT đang triển khai một số dự án như: đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên và mở rộng ngăn lộ 500kV tại TBA 500kV Vĩnh Yên; TBA 500kV Vĩnh Yên và đường dây đấu nối; TBA 220kV Bá Thiện và đường dây 220kV Việt Trì – Tam Dương – Bá Thiện; TBA 220kV Mê Linh và đấu nối đường dây 220kV Mê Linh - Bá Thiện; TBA 220kV Tam Dương và đấu nối; đường dây 500kV Tây Hà Nội - Vĩnh Yên,… Tuy nhiên, các dự án này đang gặp nhiều vướng mắc liên quan công tác chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư cũng như đền bù giải phóng mặt bằng, công tác thỏa thuận hướng tuyến đường dây,…
Về lưới điện 110kV, giai đoạn 2021 – 2023, EVNNPC đã đóng điện 7 dự án với tổng mức đầu tư 447,6 tỷ đồng. Từ nay đến năm 2025, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đang đầu tư 18 dự án lưới điện 110kV với tổng mức đầu tư là 1.852 tỷ đồng, trong đó có 11 dự án đang thi công và 7 dự án đang chuẩn bị đầu tư. Ngoài ra, EVNNPC đã và đang triển khai thực hiện đầu tư lưới điện trung hạ áp với tổng giá trị đầu tư là 1.119 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 – 2024.
Tại buổi làm việc, ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển điện lực tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá việc phối hợp giữa ngành điện và UBND tỉnh trong thời gian qua được thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phát sinh một số khó khăn vướng mắc thuộc trách nhiệm của cả phía ngành điện và UBND tỉnh.
"Việc đảm bảo cung ứng điện cho tỉnh trong giai đoạn tới là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, bởi có điện mới thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút được đầu tư. Vì vậy tỉnh Vĩnh Phúc cam kết sẽ vào cuộc quyết liệt để gỡ vướng mắc cho dự án điện", ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh.
Kết luận tại buổi làm việc, ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tập trung, chủ động, linh hoạt trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án lưới điện đang triển khai trên địa bàn; thường xuyên báo cáo các vướng mắc của từng dự án để lãnh đạo UBND tỉnh giải quyết kịp thời, dứt điểm.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao Sở Công Thương chủ trì đầu mối phối hợp với các đơn vị ngành điện xây dựng kế hoạch chi tiết, tổng thể các dự án, những khó khăn vướng mắc và đề xuất hướng giải quyết để tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh giải quyết, nhất là những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu tất cả những vấn đề vướng mắc liên quan đến thủ tục đất đai, xác định giá đất… Các sở, ngành khác thực hiện với trách nhiệm cao nhất trong chức năng nhiệm vụ của mình.
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cũng đề nghị EVN, các đơn vị thành viên tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với địa phương để giải quyết dứt điểm, kịp thời các khó khăn vướng mắc nhằm phát triển điện lực, đảm bảo cung cấp điện trên địa bàn tỉnh.
Thanh Sơn