Hội nghị “Chuyển đổi xanh - nhận thức và hành động vì một tương lai Vĩnh Phúc phát triển bền vững” là diễn đàn thảo luận, chia sẻ kiến thức và quan điểm về các vấn đề liên quan đến chuyển đổi xanh, các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững, các xu hướng tiêu dùng xanh và các thực tiễn về thúc đẩy môi trường kinh doanh thân thiện với môi trường, qua đó, làm sáng tỏ thêm về khái niệm, thực trạng “chuyển đổi xanh” trong thời gian qua và định hướng trong thời gian tới; tìm ra những giải pháp giải quyết các vướng mắc, rào cản khi thực hiện “chuyển đổi xanh” và giải pháp hướng tới xây dựng nền “kinh tế xanh”, thúc đẩy phát triển bền vững tại tỉnh.

W-VInhphuc.png
Quang cảnh Hội nghị “Chuyển đổi xanh - nhận thức và hành động vì một tương lai Vĩnh Phúc phát triển bền vững” 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, với vị thế là một trong những trung tâm kinh tế phát triển năng động của miền Bắc, tỉnh Vĩnh Phúc có cơ hội nhưng cũng đối mặt với thách thức lớn trong hành trình xanh hóa nền kinh tế. Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0, tỉnh Vĩnh Phúc cần tích hợp mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch đô thị. Quy hoạch phát triển công nghiệp cũng cần áp dụng tiêu chí xanh hóa, khuyến khích doanh nghiệp giảm phát thải và sử dụng năng lượng sạch.

Ngoài ra, Vĩnh Phúc cần đẩy mạnh thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng ưu tiên phát triển các ngành kinh tế ít phát thải, tận dụng tiềm năng về năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Với vai trò là một trung tâm công nghiệp, tỉnh cần thúc đẩy mô hình khu công nghiệp sinh thái. Đồng thời, xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ sạch, giảm thiểu phát thải và ưu tiên các ngành công nghiệp giá trị cao, ít ô nhiễm như công nghệ thông tin, sản xuất phần mềm. Cùng với đó, tỉnh có thể tận dụng các lợi thế để phát triển năng lượng tái tạo; huy động nguồn lực tài chính xanh; tăng cường quản lý môi trường; đẩy mạnh hợp tác và liên kết vùng; tập trung xây dựng năng lực và nâng cao nhận thức”
 
Từ góc nhìn của ngành Công thương, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, một trong những giải pháp trọng tâm đó là logistics xanh bởi logistics là 1 ngành có mức độ phát thải lớn, theo báo cáo thống kê có tới 70% ô nhiễm bắt nguồn từ giao thông phát thải.

"Với hành trình chuyển đổi xanh, Vĩnh Phúc cần xây dựng Kế hoạch phát triển logistics phù hợp với Chiến lược quốc gia; chăm sóc, hỗ trợ đội ngũ doanh nghiệp để hình thành doanh nghiệp lớn, có vai trò dẫn dắt; thúc đẩy liên kết vùng; xây dựng khu logistics, trung tâm logistics lớn, hiện đại, thông minh, tự động; tổ chức tập huấn kiến thức logistics cho cán bộ quản lý và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh", ông Trần Thanh Hải góp bàn.

Lựa chọn không đánh đổi môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, nhiều năm nay, tỉnh Vĩnh Phúc đang kiên trì với phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, ưu tiên thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

Với mục tiêu đó, thời gian qua, tỉnh đã không ngừng thúc đẩy chuyển đổi xanh theo định hướng của Chính phủ hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0; triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tạo nền tảng, thay đổi nhận thức của doanh nghiệp, người dân, đẩy mạnh chuyển đổi xanh trên nhiều lĩnh vực hướng tới phát triển bền vững. Đồng thời, tập trung nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ưu tiên thu hút các tập đoàn đa quốc gia và xuyên quốc gia có thương hiệu quốc tế, nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực xanh. Trong đó, tỉnh đã chủ động rà soát, sắp xếp lại quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp, chọn lọc trong thu hút đầu tư cùng với định hướng thu hút FDI xanh, chủ động hạn chế một số dự án gây ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực sản xuất da, cao su, dệt nhuộm, giấy và không chấp thuận các dự án có tính chất sản xuất ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; xây dựng sáng kiến bằng đề án, cụ thể là Đề án Thu hút nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030.

W-Vinhphuc.png
Ông Trần Duy Đông, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc 

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, song nhìn chung, môi trường của tỉnh dưới góc nhìn thực tiễn kinh doanh và mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng như mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về môi trường của chính quyền tỉnh còn nhiều vấn đề cần thay đổi. Bằng chứng cho thấy, Chỉ số Xanh cấp tỉnh năm 2023 của tỉnh chỉ xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố, giảm 17 bậc so với năm 2022.

Trên cơ sở nhận diện rõ những khó khăn, thách thức, tỉnh xác định, chuyển đổi xanh không còn là xu thế, mà là yêu cầu bắt buộc; không chỉ là một nhiệm vụ mà còn là cơ hội để tỉnh Vĩnh Phúc nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo dựng hình ảnh một địa phương hiện đại, bền vững; đồng thời, chủ động đề ra các giải pháp nhằm phát triển một nền kinh tế xanh, giảm thiểu mối nguy hại đến môi trường cũng như tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Đặc biệt, việc phối hợp tổ chức hội nghị tọa đàm “Chuyển đổi xanh - nhận thức và hành động vì một tương lai Vĩnh Phúc phát triển bền vững” với Tập đoàn Vingroup chính là bước khởi đầu cho sự hợp tác đầu tư, hỗ trợ chuyển đổi xanh toàn diện trên các lĩnh vực giao thông xanh, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, đô thị sinh thái.

Chia sẻ tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông cho hay, Vĩnh Phúc đang từng bước nghiên cứu, xây dựng và triển khai chiến lược chuyển đổi xanh nhằm đạt được mục tiêu Net Zero, phù hợp với các định hướng và chính sách của Thủ tướng Chính phủ. Chiến lược này bao gồm việc phát triển hạ tầng bền vững, bảo vệ môi trường và khuyến khích các giải pháp năng lượng tái tạo.