Trong Bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới quy định rõ: Xã đạt chuẩn về nông thôn mới phải là “xã đạt chuẩn an toàn về an ninh, trật tự xã hội và đảm bảo bình yên; không có khiếu kiện đông người kéo dài; không để xảy ra trọng án; tội phạm và tệ nạn xã được kiềm chế, giảm liên tục so với các năm trước". Đây là một trong những tiêu chí “động” đặt ra nhiều áp lực, thách thức đối với chính quyền cơ sở.
Chính vì vậy, hằng năm, với vai trò nòng cốt, lực lượng công an chủ động nắm bắt, dự báo trúng, đúng tình hình, tham mưu Đảng ủy, chính quyền cùng cấp chương trình, kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự hiệu quả. Tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể phát động, lan tỏa sâu rộng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Từ đó, giúp mỗi người dân nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, chung tay cùng với cấp ủy, chính quyền giữ vững tiêu chí an ninh trật tự.
Sáng 28/9, Công an tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết công tác xây dựng, nhân rộng mô hình bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT) trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2023.
Báo cáo tại Hội nghị cho hay, sau hơn 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021 - 2023, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai hiệu quả.
Để đảm bảo tiêu chí an ninh trật tự, lực lượng công an chủ động tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình điển hình tiên tiến, phù hợp với thực tế. Trong đó, thực hiện chủ trương của Bộ Công an, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tỉnh, năm 2021, Công an tỉnh tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh chỉ đạo, lựa chọn xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường là xã điểm về xây dựng mô hình “Xã điển hình về phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ” phục vụ xây dựng NTM.
Năm 2022, xã Tam Phúc được lựa chọn để tổ chức điểm “Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ” tại cơ sở của Bộ Công an. Với kết quả đạt được tại xã Tam Phúc, năm 2023, Công an tỉnh tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh chỉ đạo mỗi huyện, thành phố lựa chọn xây dựng 1 xã để nhân rộng mô hình “Xã điển hình về phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ” nhằm phục vụ thực hiện tiêu chí ANTT trong xây dựng xã NTM nâng cao, thôn NTM kiểu mẫu trong năm 2023.
Tới nay toàn tỉnh tiếp tục xây dựng và nhân rộng 251 mô hình tự quản về an ninh trật tự tại 100% các xã. Đây là hạt nhân quan trọng trong việc thúc đẩy phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở, thu hút đông đảo quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo đảm an ninh trật tự.
Trong đó, mô hình “5 tự quản” triển khai tại 105/105 xã, cung cấp hơn 4.500 tin báo, trong đó có 1.200 tin báo có giá trị, giúp cơ quan Công an điều tra, xác minh 517 vụ, việc; mô hình Câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật triển khai tại 31 xã đã vận động được 612 hộ gia đình cam kết không lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, vận động 168 ngày công chỉnh trang đường làng, ngõ xóm…
Ngoài ra còn có 37 địa bàn triển khai mô hình phòng, chống ma túy; 11 địa bàn có mô hình trật tự giao thông, trật tự công cộng; 12 địa bàn có mô hình về dòng họ tự quản; 11 địa bàn có mô hình tự quản trong tôn giáo; gần 11.000 địa bàn có mô hình tổ liên gia tự quản...
Đồng thời, các mô hình về phòng, chống tội phạm, trật tự xã hội; quản lý giáo dục đối tượng vi phạm pháp luật; mô hình khu dân cư tự quản về ANTT; phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn vi phạm trong xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, hoạt động của người nước ngoài cũng như mô hình cụm liên kết đảm bảo ANTT vùng giáp ranh, cổng trường an toàn giao thông... cũng đang được triển khai hiệu quả và không ngừng nhân rộng tới các địa bàn dân cư.
Vận động Nhân dân tham gia mô hình ANTT gắn với xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu
Theo đánh giá, các mô hình về đảm bảo ANTT thời gian qua đã đóng góp tích cực, phục vụ đắc lực cho quá trình xây dựng NTM trên địa bàn. Nhiều mô hình, điển hình tiên tiến đã giúp các xã phức tạp về an ninh trật tự ổn định. Thông qua các mô hình, người dân đã cung cấp cho lực lượng công an hàng nghìn tin báo có giá trị, phục vụ đấu tranh, phòng ngừa tội phạm.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết công tác xây dựng, nhân rộng mô hình bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT) trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2023, Phó Chủ tịch tỉnh Vũ Chí Giang đề nghị: Các cấp ủy, Chính quyền tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh về Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí ANTT trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Tập trung phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; trong đó, chú trọng việc vận động Nhân dân tham gia xây dựng mô hình bảo đảm ANTT và phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ gắn với xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu.
Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên và Nhân dân, vận động Nhân dân nâng cao cảnh giác, ý thức, trách nhiệm về bảo vệ ANTT. Bên cạnh đó, tăng cường xây dựng, củng cố lực lượng nòng cốt ở địa bàn cơ sở. Tập trung giải quyết các mâu thuẫn tranh chấp, khiếu kiện trong nội bộ Nhân dân không để phát sinh tội phạm hoặc trở thành “điểm nóng” về ANTT, góp phần kiềm chế các hành vi vi phạm pháp luật và các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, phục vụ công tác xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.