Đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về đổi mới sáng tạo dựa trên 5G tại Việt Nam
Báo cáo e-Conomy SEA 2019 được Google, Temasek và Bain công bố hồi tháng 10/2019 đã đưa ra dự đoán nền kinh tế số của Việt Nam được dự đoán sẽ đạt 43 tỷ USD vào năm 2025. Trong bối cảnh đó, các tổ chức trong khu vực đang đẩy mạnh các nỗ lực chuyển đổi số nhằm tăng tốc đổi mới sáng tạo trong kinh doanh, thích ứng với nhu cầu năng động của khách hàng trong điều kiện nền kinh tế ngày càng ưu tiên điện toán đám mây và di động.
Khi các doanh nghiệp đang hướng tới công nghệ 5G để thúc đẩy tăng trưởng, các chuyên gia cho rằng, các Nhà cung cấp dịch vụ truyền thông (CSP) trong khu vực cần có mạng lưới đã được kiểm chứng trên thực tế, được hỗ trợ bởi đám mây hiện đại, có tốc độ và tính linh hoạt trên quy mô toàn mạng, đồng thời vẫn duy trì được hiệu suất, khả năng phục hồi và chất lượng theo tiêu chuẩn của nhà cung cấp dịch vụ.
Để hỗ trợ các CSP đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng tăng về đổi mới sáng tạo dựa trên 5G tại Việt Nam, hãng phần mềm VMware vừa công bố nền tảng 5G Telco Cloud Platform. Nền tảng VMware 5G Telco Cloud Platform là một giải pháp nhất quán trên cơ sở ưu tiên điện toán đám mây, dùng cơ sở hạ tầng thuần đám mây có hiệu năng cao, cấp nhà khai thác dịch vụ, cho phép các CSP hỗ trợ các ứng dụng công nghệ tương lai trên toàn khu vực.
Nền tảng đa đám mây sáng tạo của VMware giúp đơn giản hóa và đẩy nhanh tốc độ triển khai mạng 5G, đồng thời tạo điều kiện các CSP tận dụng các nguyên tắc vận hành thuần đám mây, qua đó các CSP có thể triển khai nhanh hơn các ứng dụng và dịch vụ đổi mới sáng tạo ra thị trường để đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng tăng từ các doanh nghiệp trong khu vực.
VMware sẽ tiếp tục đẩy nhanh cung cấp danh mục sản phẩm Cloud
Theo ông Phạm Việt Thắng, Giám đốc Quốc gia của VMware Việt Nam cho biết, VMware đang tiếp tục đẩy nhanh việc cung cấp danh mục sản phẩm đám mây điện toán (Cloud) vùng biên và telco toàn diện nhằm giải quyết những thách thức hiện tại của khách hàng, giúp khách hàng khai thác các cơ hội trong tương lai.
“Giờ đây, các CSP khi được hỗ trợ về công nghệ thuần đám mây trên nền tảng Telco Cloud Platform sẽ có thể đẩy nhanh tốc độ đổi mới sáng tạo để cung cấp các ứng dụng và dịch vụ mới, giảm thiểu sự phức tạp trong vận hành và tiết kiệm đáng kể tổng chi phí sở hữu, thúc đẩy hơn nữa quá trình triển khai mạng 5G để hỗ trợ sự phát triển nền kinh tế số của Việt Nam”, ông Thắng cho hay.
Theo chuyên gia VMware, nền tảng VMware Telco Cloud Platform kết hợp hạ tầng VMware Telco Cloud Infrastructure - được phát triển từ giải pháp vCloud NFV - với giải pháp VMware Telco Cloud Automation - giải pháp tự động hóa và điều phối đa miền mới được ra mắt gần đây.
Nền tảng Telco Cloud Platform đã sẵn sàng cho 5G và được tùy chỉnh để các CSP có thể dễ dàng cung cấp các ứng dụng công nghệ thuần đám mây cũng như các ứng dụng và dịch vụ trên cơ sở hạ tầng đa đám mây.
Để hỗ trợ các CSP chuyển đổi từ mạng NFV sang mạng thuần đám mây và mạng ứng dụng công nghệ container, VMware đã chuyển đổi giải pháp VMware vCloud NFV thành Telco Cloud Platform, cung cấp cho các CSP một nền tảng nhất quán và hợp nhất, đảm bảo vận hành nhất quán Chức năng mạng ảo (Virtual Network Functions - VNFs) và Chức năng mạng thuần đám mây (Cloud Network Functions - CNF) trên các mạng của nhà khai thác viễn thông.
Telco Cloud Infrastructure được thiết kế để tối ưu hóa việc cung cấp các dịch vụ mạng với các cải tiến tập trung cho viễn thông, hỗ trợ triển khai đám mây phân tán, cung cấp khả năng mở rộng và hiệu năng cho hàng triệu doanh nghiệp và người tiêu dùng. Những cải tiến trong lĩnh vực viễn thông này cho các CSP tốc độ và sự linh hoạt khi vận hành trên web nhưng vẫn duy trì được hiệu năng, khả năng phục hồi và chất lượng theo tiêu chuẩn của nhà cung cấp dịch vụ.
Được tích hợp chặt chẽ với Telco Cloud Platform, giải pháp Telco Cloud Automation của VMware tự động hóa việc quản lý vòng đời toàn diện của các chức năng và dịch vụ mạng để đơn giản hóa vận hành và đẩy nhanh tốc độ cung cấp dịch vụ, đồng thời tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên.
Hiện tại, Telco Cloud Automation đã có tính năng tự động hóa quản lý cơ sở hạ tầng và quản lý dịch vụ Containers-as-a-Service (CaaS), giúp đơn giản hóa phân bố tải công việc và tối ưu hóa phân bổ tài nguyên cơ sở hạ tầng. Giải pháp này còn giúp đơn giản hóa đáng kể việc mở rộng mạng 5G và mạng biên của các nhà khai thác viễn thông nhờ khả năng cấp phát dung lượng không cần tiếp xúc (ZTP) mọi lúc mọi nơi.
Để đẩy nhanh tốc độ triển khai các chức năng và dịch vụ mạng cho CSP, mới đây VMware đã mở rộng chương trình Ready for Telco Cloud để bổ sung thêm tính năng hỗ trợ VMware Telco Cloud Automation.
Cùng với việc phát hành nền tảng VMware Telco Cloud Platform, VMware đang tiếp tục mở rộng chương trình này để đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện và triển khai các chức năng mạng. Phạm vi chương trình này được mở rộng tới các chức năng mạng được phát triển bằng công nghệ container và các loại tải công việc tuân thủ ngăn xếp Cloud Native của VMware cũng như tính năng tự động hóa do ngăn xếp cung cấp.
Các CSP có thể kỳ vọng rằng các chức năng mạng đã được chứng nhận sẽ được tiếp nhận và triển khai nhanh hơn trên nền tảng VMware Telco Cloud, rút ngắn thời gian tạo doanh thu của CSP. Đến nay, hơn 35 đối tác đã được cấp tổng cộng hơn 180 chứng chỉ theo chương trình này.
Bên cạnh đó, VMware cũng công bố giải pháp Telco Cloud Operations, một giải pháp tự động đảm bảo hiệu năng theo thời gian thực, được thiết kế để rút ngắn khoảng cách giữa mạng ảo và mạng vật lý.
Giải pháp Telco Cloud Operations cung cấp khả năng giám sát và quản lý hiệu năng toàn diện xuyên suốt nhiều lớp mạng, bao gồm SD-WAN, để nhanh chóng có được thông tin phân tích chi tiết, giảm chi phí và cải thiện trải nghiệm của khách hàng. Giải pháp này tích hợp tính năng phân tích hiệu năng dựa trên công nghệ máy học và bảng điều khiển báo cáo linh động để chủ động đảm bảo chất lượng.
Ngoài ra, giải pháp Uhana từ VMware bổ sung tính năng tự động hóa thông minh cho Mạng truy cập vô tuyến (RAN) với khả năng hiển vận hành toàn mạng cho các CSP.
Thanh Hà