Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Đông Á, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định an ninh, an toàn hàng hải đang là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của khu vực và thế giới.

Thủ tướng cho rằng ASEAN và các nước Đông Á cần tăng cường hợp tác vì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Đông Á; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật biển năm 1982.

Việt Nam hoan nghênh việc ASEAN và Trung Quốc tăng cường đối thoại tin cậy và hiểu biết, thúc đẩy thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới Bộ quy tắc ứng xử COC, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Thủ tướng khẳng định hoà bình, ổn định, an ninh và phát triển là mục tiêu và là lợi ích chung của tất cả các nước khu vực, đề nghị EAS phát huy hơn nữa vai trò trong việc xây dựng các chuẩn mực, quy tắc ứng xử ở khu vực cũng như phát huy tác dụng của các công cụ hiện có, trước hết phải là Tuyên bố EAS về các nguyên tắc quan hệ cùng có lợi được thông qua tại hội nghị này.

Các nhà lãnh đạo dự Hội nghị Cấp cao Đông Á.
Ảnh:
Cổng TTĐT Chính phủ

Hội nghị mà Mỹ và Nga lần đầu tiên chính thức tham dự với sự hiện diện của Tổng thống Barack Obama và đại diện của Tổng thống Nga - Ngoại trưởng Sergei Lavrov, đã trao đổi và đối thoại về các vấn đề có tầm quan trọng chiến lược liên quan đến hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực, trong đó có các lĩnh vực chính trị - an ninh như an toàn hàng hải, ứng phó thiên tai, phòng chống hải tặc, tội phạm xuyên quốc gia... nhất trí EAS cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực ưu tiên đã xác định như tài chính kinh tế, năng lượng, thiên tai…, hỗ trợ triển khai liên kết ASEAN, từ đó tăng cường liên kết và kết nối ra toàn khu vực.

Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh EAS cần đóng góp tích cực vào củng cố và tăng cường môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển ở khu vực, trong đó có an ninh, an toàn hàng hải trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và hướng tới bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC).

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Ấn Độ. Chia sẻ với các nước ASEAN khác sự coi trọng đôi với chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư, sớm hoàn hoàn thành Khu vực mậu dịch tự do vào năm 2012; thúc đẩy kết nối hai bên về giao thông vận tải, công nghệ thông tin và năng lượng cũng như trong xây dựng khuôn khổ pháp lý, giao lưu nhân dân, hợp tác về khoa học, công nghệ...

Thủ tướng cùng lãnh đạo các nước Tiểu vùng sông Mekong gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan thống nhất thúc đẩy phát triển, sử dụng, bảo tồn và quản lý bền vững nguồn nước sông Mekong; đề nghị cùng nghiên cứu một cách khoa học, tổng thể và hệ thống nhằm sử dụng hợp lý nguồn nước Mekong, bảo đảm phát triển bền vững cho các nước hạ nguồn cũng như thượng nguồn. Việt Nam cũng phối hợp chặt chẽ với các nước này đề nghị Nhật Bản giúp tiến hành một nghiên cứu tổng thể về tác động môi trường và xã hội trước khi quyết định xây dựng các công trình trên dòng chính sông Mekong.

Chiều ngày 19/11 đã diễn ra Lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 19 và các Hội nghị Cấp cao liên quan. Từ tháng 1/2012, Campuchia bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN. Myanmar cũng đã nhận được sự chấp thuận của các nước thành viên để giữ chức Chủ tịch ASEAN vào năm 2014.

Theo Cổng TTĐT Chính phủ