- Đó là tình cảnh của những khách hàng góp vốn cho VPREIT hợp tác kinh doanh với Công ty cổ phần tập đoàn nhà đất (Housing Group) để được quyền mua căn hộ thuộc dự án Trung tâm thương mại Thượng Đình.  

TIN BÀI KHÁC:

{keywords}
Đơn thư bạn đọc (Ảnh minh họa)

Báo VietNamNet nhận được đơn đề ngày 26/6/2013 của các bạn đọc: Nguyễn Duy Thanh, Nguyễn Văn Mạnh, Nguyễn Hồng Hương, Bùi Ngọc Huyền, Đặng Đức Kiên, Trần Duy Ngọc là  những khách hàng của Công ty cổ phần quỹ đầu tư bất động sản Ngân hàng thương mại cổ phần các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (VPREIT). Đơn có nội dung: Tháng 6/2010 các bạn đọc này ký hợp đồng cho công ty VPREIT vay vốn với lãi suất 8%, thời hạn vay là 18 tháng, để hợp tác kinh doanh với Công ty cổ phần tập đoàn nhà đất (Housing Group) và nộp tiền làm cơ sở để được quyền mua căn hộ thuộc dự án Trung tâm thương mại Thượng Đình của Housing Group.

Tính đến thời điểm ngày 19/1/2013, mỗi khách hàng đã chuyển cho công ty VPREIT số tiền gốc là 965 triệu đồng, gồm tổng số của 3 đợt nộp tiền theo hợp đồng là 615 triệu đồng và 350 triệu đồng là số tiền theo thỏa thuận giữa các bên để đảm bảo quyền mua căn hộ tại dự án “Trung tâm thương mại Thượng Đình Plaza” của Housing Group.

Nhưng đến tháng 6/2012, nghĩa là 24 tháng sau khi ký hợp đồng vay vốn, dự án “Trung tâm thương mại Thượng Đình Plaza” của Housing Group vẫn chưa được phê duyệt, chưa có Giấy chứng nhận đầu tư và hoàn toàn không có tiến triển trong thực hiện các thủ tục pháp lý của dự án. Trên thực tế, dự án đã bị dừng lại, không tiếp tục thực hiện!

Trước tình hình thực tế đó và theo đúng nội dung hợp đồng đã ký kết, các bạn đọc này đề nghị công ty VPREIT hoàn trả số tiền vay vốn theo hợp đồng (cả gốc và lãi) và cả số tiền 350 triệu đồng đã nộp để được quyền mua căn hộ.

Suốt từ tháng 10/2012 cho đến ngày 26/6/2013, các bạn đọc này liên tục gửi các công văn đề nghị VPREIT phải có phương án cụ thể hoàn trả 3 khoản tiền trên. Các bạn đọc cũng yêu cầu được gặp trực tiếp ban lãnh đạo công ty VPREIT để cùng bàn bạc, đưa ra hướng giải quyết đảm bảo lợi ích chính đáng cho khách hàng và cũng là chia sẻ khó khăn với công ty.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo và Hội đồng quản trị công ty VPREIT có thái độ đùng đẩy trách nhiệm, không có tinh thần thiện chí để gặp gỡ khách hàng. Ngày 17/1/2013, tại văn bản số 08/2013/CV-VPREIT, công ty lại nêu phương án “chuyển giao sang cho Housing kế thừa quyền lợi và nghĩa vụ theo hợp đồng”. Các bạn đọc đã nhắc nhở bằng văn bản rằng giải quyết công nợ là việc giữa khách hàng và công ty VPREIT, chứ không liên quan đến bên thứ 3 là Housing! Tại buổi làm việc ngày 13/3/2013 có cả 3 bên, Phó Tổng giám đốc Housing  lại nêu phương án được Tổng giám đốc VPREIT  ủng hộ là: Housing đang triển khai dự án Phú Thượng có 12 tầng, hiện đã xong tầng hầm, có thể chuyển ngang sang cho khách hàng với mức giá ưu đãi. Dĩ nhiên, “phải tên  rày đã sợ làn cây cong”, các bạn đọc là những khách hàng không chấp nhận, mà thống nhất với nhau chỉ lấy lại tiền đã cho VPREIT vay, khi cần thiết phải nhờ các cơ quan pháp luật can thiệp. Các bạn đọc đã nhận ngay được sự dọa nạt của VPREIT: “Việc đó sẽ khiến sự việc trở nên phức tạp và khó khăn hơn cho các bên trong quá trình làm việc với Housing để thu hồi lại vốn góp…theo đó cũng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của quý vị”.

Cực chẳng đã, ngày 26/6/2013, các bạn đọc này gửi đơn kêu cứu tới Báo VietNamNet, than thở “chúng tôi phải đi vay lãi hàng trăm triệu đồng để nộp cho VPREIT, cho đến bây giờ vẫn chưa trả hết nợ. Có gia đình đã vì việc này mà tan cửa nát nhà, vợ chồng lục đục, con cái không có tiền ăn học, trong khi chủ nợ thì hối thúc!” 

Đó là tóm tắt nội dung đơn kêu cứu của các bạn đọc là những khách hàng góp vốn cho VPREIT. Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, nếu đúng sự thật thì giải quyết theo quy định của pháp luật.

Ban Bạn đọc.