-Dựa vào chủ trương “dồn điền đổi thửa” (DĐĐT), xã Yên Bình không tiến hành thỏa thuận, đã thu đất tại khu Nhà Tràng của 4 bạn đọc để cho 3 hộ dân “đấu thầu”, thu 30 triệu đồng/sào.

TIN BÀI KHÁC:

Các bạn đọc Phạm Thị Phượng, Trịnh Thị Nhung, Ngô Tiến Hảo, Vũ Thị Hợi cùng ở địa chỉ thôn An Thị, xã Yên Bình, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định gửi đơn đề ngày 8/8/2013 cùng nhiều giấy tờ liên quan đến Báo VietNamNet, trình bày: 4 bạn đọc có các thửa đất nông nghiệp tại khu Nhà Tràng, thôn An Thị, đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất từ năm 1993 (có giấy tờ gốc); được sử dụng ổn định, có hiệu quả và không tranh chấp với bất kỳ ai từ đó đến nay.

{keywords}.
Đơn thư bạn đọc gửi Báo VietNamNet (ảnh minh họa)

Đã mất ruộng lại còn bị đánh

Năm 2009 khu Nhà Tràng được địa phương quy hoạch làm đất “giãn dân”. Hiện tại 2 phần diện tích đất tại đây đã được đền bù để chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở, người dân trúng đấu thầu đã được cấp sổ đỏ và xây nhà, xưởng kiên cố. Phần còn lại là đất của 4 bạn đọc và 1 hộ khác do chưa thống nhất được mức đền bù và nhà nước chưa lấy để chuyển sang đất ở nên vẫn canh tác, theo đúng mục đích được cấp.

Cuối năm 2012, dựa vào chủ trương “dồn điền đổi thửa”, chính quyền xã Yên Bình và cán bộ thôn An Thị  không có bất cứ một sự thỏa thuận nào, nhưng đã thu phần đất tại khu Nhà Tràng của 4 bạn đọc để cho 3 hộ dân (trong đó có người nhà của Trưởng thôn An Thị) “đấu thầu”, rồi thu  tiền của họ 30.000.000 đồng/sào dưới danh nghĩa “người dân tự nguyện đóng góp cho thôn”.

Mặc dù các bạn đọc xuất trình “Giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất” và trình bày đất này đã được quy hoạch làm đất “giãn dân”, không thuộc diện “dồn điền đổi thửa”, nhưng chủ tịch xã, cán bộ địa chính xã Yên Bình, cán bộ thôn An Thị làm ngơ.

4 bạn đọc nhiều lần gửi đơn đến UBND xã Yên Bình, phòng TNMT huyện Ý Yên, UBND huyện Ý Yên, UBND tỉnh Nam Định, “gõ cửa” các cơ quan báo chí và Công ty Luật TNHH Hà Việt.

Ngày 10/6/2013 ông Phạm Mạnh Tiếp, Chủ tịch UBND huyện Ý Yên, Trưởng Ban chỉ đạo dồn điền đổi thửa huyện Ý Yên, ra Thông báo số 52/TB-BCĐ  yêu cầu UBND xã Yên Bình tập trung thực hiện một số nội dung sau:

 “UBND xã, Ban chỉ đạo DĐĐT xã Yên Bình kiểm tra, rà soát phương án DĐĐT của thôn An Thị, bàn thống nhất chỉ đạo cơ sở, ban DĐĐT thôn An Thị tập trung giải quyết đơn đề nghị của công dân theo hướng sau:

+ Thôn An Thị xây dựng phương án chuyển vị trí đất của 3 hộ đã được giao ruộng sau DĐĐT tại khu vực Nhà Tràng, thôn An Thị sang vị trí đất mới, đưa diện tích đất tại khu vực Nhà Tràng đã được quy hoạch giãn dân vào quỹ đất công ích do UBND xã quản lý.

+ Chỉ đạo thôn An Thị tiến hành hoàn trả lại số tiền 3 hộ đã tự nguyện nộp cho thôn để đóng góp xây dựng giao thông thủy lợi nội đồng và các công trình phúc lợi của thôn.

+ Tiến hành kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc để xảy ra sai sót trong quá trình DĐĐT tại thôn An Thị.”

Tuy nhiên, đến ngày các bạn đọc gửi đơn về Báo VietNamNet, là gần 2 tháng sau khi có Thông báo của Chủ tịch UBND huyện Ý Yên, nhưng UBND xã Yên Bình vẫn không có bất cứ động thái nào để giải quyết sự việc.

Các bạn đọc cho biết: Sáng ngày 9/7/2013 ra đòi lại ruộng thì bị người nhà ông Trưởng thôn An Thị đánh đập, chửi bới.

Ngay sau khi bị xâm phạm tới thân thể, các bạn đọc đã trình báo với Công an xã nhưng cũng… không được bảo vệ. UBND xã Yên Bình vẫn cho 3 hộ dân đã trúng thầu (trái pháp luật) tiếp tục trồng cấy trên các mảnh đất của các bạn đọc.

Ý kiến của Công ty Luật TNHH Hà Việt

Các bạn đọc cũng gửi về Báo VietNamNet nội dung Văn bản của Công ty Luật TNHH Hà Việt gửi các cơ quan có thẩm quyền tỉnh Nam Định, sau khi nghiên cứu các nội dung của Thông báo số 52 do Chủ tịch UBND huyện Ý Yên ký, nêu rõ:  

Việc Chủ tịch UBND huyện Ý Yên chỉ đạo UBND xã Yên Bình theo hướng lấy đất nông nghiệp sử dụng hợp pháp và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ dân khu Nhà Tràng, nhưng không thực hiện thủ tục thu hồi để chuyển thành đất công ích do UBND xã quản lý theo Thông báo số 52 là trái với các quy định của pháp luật hiện hành vì:

 - Thứ nhất, việc dồn điển – đổi thửa được thực hiện trên cơ sở vận động nhân dân tự nguyện thực hiện, không phải là văn bản quy phạm pháp luật về việc thu hồi, điều chỉnh hay chia lại ruộng đất. Do vậy, trong mọi trường hợp, nếu người dân có ruộng không đồng ý việc dồn điền – đổi thửa thì không được tự ý chia lại ruộng, thay đổi vị trí đất đã được giao của người có ruộng.

- Thứ hai: Theo nội dung Thông báo số 52 thì UBND huyện Ý Yên chỉ đạo UBND xã Yên Bình thu hồi đất của 3 hộ gia đình ở khu Nhà Tràng, sau đó chuyển số ruộng thu hồi sang đất công ích của xã để quản lý là không đúng, vì UBND xã Yên Bình không phải là cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất theo quy định của Pháp luật đất đai hiện hành. Việc thu hồi đất của các hộ dân khu Nhà Tràng đang sử đụng hợp pháp để chuyển sang mục đích khác (trong đó có đất công ích) thuộc thẩm quyền của UBND huyện Ý Yên và khi thực hiện thu hồi đất phải đền bù thỏa đáng cho người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

- Thứ ba: UBND huyện Ý Yên chưa chỉ đạo Thanh tra huyện, Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện và Công an huyện kiểm tra, xác minh và làm rõ việc thu tiền của các hộ dân bốc thăm được các vị trí đẹp phải nộp tiền cho thôn, nhưng được ghi nhận dưới hình thức “tự nguyện nộp cho thôn” có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự hay không? Theo thông tin các hộ dân ủy quyền cho Công ty Luật cung cấp, việc thu tiền của các hộ dân bốc thăm được vị trí đẹp được áp dụng toàn xã Yên Bình và chỉ áp dụng “tự nguyện với tất cả hộ dân bốc được vị trí đẹp”.

Công ty Luật TNHH Hà Việt cho rằng việc “tự nguyện nộp tiền cho thôn” chỉ áp dụng với các hộ dân bốc thăm được vị trí đẹp là thu tiền trái với chủ trương “dồn điền đổi thửa” và trái với các quy định của pháp luật hiện hành. Chính việc thu tiền này cũng đã gây khó khăn rất lớn cho việc khắc phục hậu quả của các cấp chính quyền khi các hộ dân đã nộp tiền đang hiểu là họ đã mất tiền cho thôn để “mua” các suất ruộng này, nay họ yêu cầu chính quyền thôn và xã đền bù cao thì mới đồng ý trả lại ruộng. Ngoài ra việc thu tiền của các hộ dân này cũng đã gây mất đoàn kết nội bộ, tranh chấp phức tạp trong thôn xóm. Khi các hộ dân bị “dồn điền – đổi thửa” trái pháp luật thực hiện quyền sử dụng ruộng đất hợp pháp của mình thì đã gây ra va chạm, xô xát giữa các hộ dân với nhau. Đây là nguyên nhân có thể dẫn tới các vụ việc nghiêm trọng nếu chính quyền không công tâm, khách quan và can thiệp kịp thời.

Trên đây là tóm tắt nội dung đơn của các bạn đọc Phạm Thị Phượng, Trịnh Thị Nhung, Ngô Tiến Hảo, Vũ Thị Hợi và ý kiến của Công ty Luật TNHH Hà Việt. Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền  của tỉnh Nam Định xem xét.

Ban Bạn đọc.