- Bố tôi ngoại tình với một đồng nghiệp ở cùng cơ quan. Người này cũng đã có gia đình. Tình cờ mẹ tôi phát hiện ra clip của hai người trong nhà nghỉ, nên đã chụp một bức ảnh lấy từ clip rồi gửi cho chồng người phụ nữ này để tố cáo. Nhưng không ngờ, người này quay ra vu cáo bố tôi hiếp dâm và những tấm hình này là bằng chứng. Xin luật sư cho biết, nếu công an điều tra ra người này vu cáo sai sự thật thì gia đình tôi có kiện được không? Cô ta sẽ phải chịu tội gì, mức phạt bao nhiêu? Cảm ơn luật sư.

{keywords}
Đã cặp bồ cô ta còn mạnh miệng vu oan cho gia đình tôi (Ảnh minh họa)

Thứ nhất: Về hành vi ngoại tình.

Trong quan hệ hôn nhân và gia đình, vấn đề ngoại tình được quy định theo điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, “người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ” là hành vi bị cấm.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của bố bạn và đồng nghiệp mà họ có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật như sau. Điều 48 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP  quy định về vi phạm hành chính về Tư pháp, hôn nhân gia đình quy định về hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng và Nghị định 67/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định về  hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng bị xử phạt hành chính như sau:

“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;”

Ngoài ra, nếu hành vi này gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính nhưng tiếp tục tái phạm thì còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 về  tội xâm phạm chế độ hôn nhân, gia đình.

Từ ngày 1/7/2016 thì hành vi ngoại tình còn có thể bị xử phạt tù căn cứ vào quy định tại Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2014 như sau:

“1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;

b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.”

Thứ hai: Quy định cấu thành tội phạm Hiếp dâm 

Điều 111 BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009. Tới ngày 01/07/2016 khi Bộ luật Hình sự năm 2014 có hiệu lực, tội phạm Hiếp dâm được quy định tại Điều 141. Về mặt khách quan của tội phạm: đó là "người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn ". Như vậy tội hiếp dâm chỉ có thể được xác lập khi có hành vi giao cấu trái với ý muốn của nạn nhân đã được thực hiện bằng thủ đoạn dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc dùng thủ đoạn khác. Hậu quả ở đây có thể là sức khỏe của nạn nhân, danh dự, nhân phẩm của nạn nhân bị ảnh hưởng. 

Do đó, nếu người phụ nữ có đơn tố cáo thì cơ quan điều tra sẽ xác minh để làm rõ bạn có hành vi như nêu trong cấu thành tội phạm trên hay không. Ngoài ra, cần xác định mối quan hệ giữa hai người trước đó để xác định mức độ quen biết, mức độ tình cảm giữa hai bên. Chỉ khi xác minh, thu thập đầy đủ các chứng cứ, cơ quan điều mới có thể đưa ra kết luận có hay không có hành vi hiếp dâm.

Thứ ba:  Nếu tố cáo sai sự thật.

Trong trường hợp, nếu qua xác minh, điều tra hành vi của bố bạn không cấu thành tội hiếp dâm. Điều 8, Luật Tố cáo quy định nghiêm cấm các hành vi: Cố ý tố cáo sai sự thật; kích động, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; mạo danh người khác để tố cáo; Lợi dụng việc tố cáo để xuyên tạc, vu khống, gây rối an ninh, trật tự công cộng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác; đưa tin sai sự thật về việc tố cáo và giải quyết tố cáo,…

Người tố cáo và những người khác có liên quan có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật (Điều 48, Luật Tố cáo). Ngoài xử lý hành chính  người tố cáo còn có thể bị bị truy cứu hình sự về tội vu khống được quy định trong Bộ luật Hình sự: Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc