-Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, do chưa có hồ sơ cụ thể để xác minh các đối tượng nên đến nay Sở vẫn chưa đưa ra được kết luận kiểm tra dự án nhà ở xã hội Rice City.

Liên quan đến dự án nhà ở xã hội Rice City (khu đô thị Tây Nam Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội), ngày 14/7/2016, Sở Xây dựng đã có văn bản gửi Công ty CP BIC Việt Nam chủ đầu tư dự án.

Văn bản nêu rõ: “Sở Xây dựng đã nhận được phiếu chuyển số 213 ngày 20/6/2016 của Công an TP Hà Nội về đơn tố cáo bà Lục Thị Mai Trang – Tổng Giám đốc Công ty CP BIC Việt Nam vi phạm các quy định của pháp luật về mua bán nhà ở xã hội (NOXH) Rice City và phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng về trường hợp mua nhà của ông Lục Minh Kim và một số đối tượng tại dự án trên.

 

{keywords}
Nhà ở xã hội Rice City Linh Đàm

Để có cơ sở trả lời theo yêu cầu, Sở Xây dựng dự kiến làm việc với Công ty cổ phần BIC Việt Nam để làm rõ các nội dung nêu trên. Sở cũng yêu cầu Công ty BIC Việt Nam chuẩn bị hồ sơ xin mua nhà ở của 10 trường hợp (theo phiếu chuyển của công an TP Hà Nội), danh sách kèm hồ sơ các đối tượng đủ điều kiện mua nhà tại dự án (trước và sau khi ký hợp đồng, các trường hợp đã đủ điều kiện nhưng không được ký hợp đồng kể cả trường hợp của ông Lục Minh Kim).

Trước đó, trao đổi với PV VietNamNet, ông Vũ Ngọc Đạm – Trưởng phòng phát triển nhà (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, ngày 19/7 Sở Xây dựng sẽ trực tiếp xuống làm việc kiểm tra tại dự án. Sau đó sẽ có báo cáo thông tin đến báo chí.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Tiến Thành - Phó Phòng Phát triển nhà, đến nay Công ty cổ phần Bic Việt Nam vẫn chưa cung cấp hồ sơ liên quan đến dự án nhà ở xã hội Rice City dù đã hết hạn từ ngày 27/7.

Liên quan đến việc báo chí phản ánh 3 người nhà Phó Tổng Giám đốc Công ty CP BIC Việt Nam (chủ đầu tư dự án) là: bố đẻ, vợ và mẹ vợ “lọt” vào danh sách các đối tượng được xét duyệt mua NOXH đợt 2 tại dự án ông Bùi Tiến Thành xác nhận: họ đã công nhận bà Vân và bà Vinh có liên quan đến ông Hoàn, còn ông Kim là bố của bà Trang và ông Hoàn. Tức là mấy đối tượng này có liên quan đến Tổng giám đốc và Phó Tổng giám đốc.

Ông Thành cũng thông tin, chủ đầu tư chưa đưa giấy tờ hồ sơ của các đối tượng này. Lý do là do những đối tượng này không nộp tiền, do đó họ bị cắt hợp đồng và chủ đầu tư đã trả lại hồ sơ. Vì vậy không thể photo gửi cho Sở Xây dựng được.

Có chuyện trục lợi chính sách?

Trao đổi với PV VietNamNet về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thế Truyền – Giám đốc Cty Luật hợp danh Thiên Thanh – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng: Về vấn đề trục lợi từ dự án này theo quan điểm cá nhân tôi thì hoàn toàn có thể xảy ra. Những câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao một ông bố có hai con là tổng giám đốc và phó tổng giám đốc của một tập đoàn lớn như vậy lại có thể có đủ các điều kiện, tiêu chí chấm điểm do chính phủ và UBND TP quy định để có thể lọt vào một trong những người có đủ điều kiện để mua nhà ở xã hội?

“Đó là một trong số rất nhiều câu hỏi đầy nghi vấn được đặt ra, với những nghi vấn như trên thì không thể tránh khỏi việc có liên quan đến việc trục lợi từ dự án này” – Luật sư Truyền nói.

Theo vị Phó Phòng Phát triển nhà, theo quy định của Luật Nhà ở thì miễn là đối tượng thuộc diện được mua, chứ không nói là thân nhân hay không thân nhân. Khi xem xét các đối tượng đó nếu thuộc đối tượng thu nhập thấp, không có nhà ở, diện tích nhà ở dưới 10 m2/người, thường trú ở Hà Nội là đủ điều kiện đăng ký. Cũng theo ông Thành, việc xác định người thân trong dự án là khó, chỉ có phản ánh người thân thì đi kiểm tra xem có việc đưa người nhà vào đây để trục lợi hay không. Vì hồ sơ của họ không cho nên chưa kiểm tra được chỉ theo báo cáo của chủ đầu tư.

Liên quan đến việc xét duyệt thuê/mua nhà ở xã hội, trao đổi với PV VietNamNet, ông Vũ Ngọc Đạm – Trưởng phòng phát triển nhà cho hay việc xét duyệt hồ sơ mua nhà ở xã hội do chủ đầu tư tự chấm điểm theo các tiêu chí mà Chính phủ và UBND TP đã quy định rõ. Theo ông Đạm, việc mua nhà ở xã hội được thực hiện theo tinh thần nhà nước là hậu kiểm và chủ đầu tư là người thực hiện những nội dung đó.

“Chủ các doanh nghiệp sẽ căn cứ vào thang điểm đó chấm điểm. Chấm điểm xong chủ đầu tư sẽ nộp danh sách lên Sở Xây dựng, Sở sẽ đưa lên trang web công khai. Sau 15 ngày nếu Sở có văn bản gì ý kiến Sở sẽ có văn bản gửi xuống chủ đầu tư xem xét lại báo cáo. Còn nếu sau 15 ngày không có ý kiến gì thì chủ đầu tư sẽ ký hợp đồng với người dân mua nhà. Sau khi ký hợp đồng với người dân mua nhà thì chủ đầu tư gửi lên Sở Xây dựng. Sở sẽ đăng danh sách này lên và đây mới là danh sách chính thức” – ông Đạm nêu rõ.

Nêu lên vấn đề trong việc xét duyệt nhà ở xã hội, theo luật sư Truyền: “Cái khó ở đây là các doanh nghiệp (chủ đầu tư) tự chấm điểm hồ sơ rồi sau đó nộp lên Sở xây dựng để sở công báo trong 15 ngày nếu không có ý kiến gì thì cho phép chủ đàu tư kí hợp đồng, như vậy thì vai trò của Sở xây dựng ở đây là chỉ đăng công bố lấy ý kiến (lấy ý kiến từ ai) thì làm sao không thể không có nhiều trường hợp trục lợi từ các dự án nhà ở xã hội như vậy được”.

Cũng phải nói thêm rằng, không chỉ là chủ dự án nhà ở xã hội Rice City Công ty CP BIC Việt Nam hiện cũng đang là chủ đầu tư của nhiều khu nhà ở xã hội khác. Khi những phản ánh về dự án Rice City chưa được rõ ràng thì với những dự án khác cũng không tránh khỏi những băn khoăn, hoài nghi của dư luận. Và không chỉ dừng lại ở câu chuyện của một dự án Rice City đó còn là niềm tin về cả một chính sách – chính sách nhà ở xã hội.

Theo luật sư Trần Minh Hải – Giám đốc Công ty Luật Basico, chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội là chủ trương đúng đắn của Nhà nước. Với mục đích hướng tới an sinh xã hội, nhằm tạo cơ hội được an cư, được nhận sự hỗ trợ, đùm bọc từ xã hội đối với những người có hoàn cảnh khó khăn. Chính sách chỉ thực sự có hiệu quả, có giá trị kinh tế, nhân văn khi nó được thực hiện bằng sự tôn trọng pháp luật, bằng danh dự cũng như sự tôn trọng lợi ích của người khác.

Dư luận đang chờ câu trả lời thấu đáo của các cơ quan chức năng về vấn đề này.

VietNamNet sẽ tiếp tục thông tin.

Hồng Khanh