Được biết, trước đó, Tổng Công ty Sông Đà đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng với mong muốn được chỉ định thầu làm một số dự án trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Nêu tại văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng cho biết, Tổng Công ty Sông Đà được cổ phần hoá vào năm 2018, Bộ Xây dựng là cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước chiếm 99,79% vốn điều lệ tại Tổng Công ty.
Bộ Xây dựng giới thiệu Tổng Công ty Sông Đà tham gia xây dựng một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 theo hình thức chỉ định thầu. |
Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng xem xét, cho phép Tổng Công ty Sông Đà thi công một số đoạn đường bộ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 theo hình thức chỉ định thầu như báo cáo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 1620 ngày 13/3/2020 của Bộ Kế hoạch & Đầu tư.
Bộ Xây dựng lý giải, trong quá trình thực hiện các dự án trọng điểm, nhất là thuỷ điện, Tổng Công ty huy động số lượng lao động lớn, đầu tư nhiều thiết bị. Tuy nhiên, sau khi công trình hoàn thành, Tổng Công ty gặp nhiều khó khăn, áp lực để duy trì việc làm, đảm bảo đời sống lao động và thiết bị đã đầu tư.
Tổng Công ty Sông Đà hiện có hơn 20.000 cán bộ công nhân viên, kỹ sư. Theo Bộ Xây dựng, việc này nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực con người, máy móc thiết bị sẵn có và kinh nghiệm của doanh nghiệp, trên cơ sở ý kiến kết luận của Thủ tướng, báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư về việc chuyển đổi hình thức đầu tư một số dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công.
Tổng Công ty Sông Đà từng được biết tới là "ông lớn" nhà nước trong ngành xây dựng, đặc biệt trong lĩnh vực thi công các nhà máy thủy điện trong và ngoài nước. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính những năm gần đây.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, doanh nghiệp này đang đứng trước những khoản nợ lớn. Nợ phải trả của Tổng công ty tính đến cuối năm 2019 là hơn 11.000 tỷ đồng, trong đó hàng loạt công ty con rơi vào tình trạng thua lỗ, có nguy cơ mất vốn nhà nước. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của Tổng Công ty là khoảng 2,8 lần, xấp xỉ mức báo động rủi ro tài chính (3 lần).
Tình hình công nợ của Tổng Công ty chủ yếu liên quan đến các khoản phải thu và phải trả trong tổ hợp công ty mẹ con và công ty liên kết. Trong đó, nợ phải thu tại Công ty CP Ximăng Hạ Long khoảng 2.700 tỷ đồng, Công ty CP Điện Việt Lào hơn 800 tỷ đồng, Công ty CP Thủy điện Nậm Chiến gần 700 tỷ đồng, Công ty TNHH Điện Xekaman 1 gần 300 tỷ, Công ty TNHH Điện Xekaman 3 khoảng 560 tỷ đồng…
Hồng Khanh
Kiểm toán Nhà nước đề nghị kiểm điểm nhiều cá nhân, tập thể tại Vicem
- Báo cáo Kiểm toán Nhà nước gửi Quốc hội đã chỉ ra nhiều sai phạm tại các đơn vị thuộc Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), đề nghị Vicem kiểm điểm trách nhiệm nhiều tập thể, cá nhân.