Hồ sơ pháp lý của một dự án chung cư bao gồm các giấy tờ liên quan đến việc xây dựng, đầu tư cũng như thi công dự án, do chủ đầu tư sở hữu. Các loại giấy tờ pháp lý này được sử dụng trong quá trình giao dịch mua bán căn hộ theo quy định của pháp luật. Nếu chủ đầu tư được yêu cầu xuất trình các loại giấy tờ pháp lý nhưng cố tình lẩn tránh hoặc xuất trình không đầy đủ thì khách hàng nên cẩn trọng khi mua căn hộ của dự án chung cư đó.
Các loại giấy tờ pháp lý người mua cần lưu ý kiểm tra gồm:
Giấy đăng ký kinh doanh ngành nghề bất động sản
Giấy đăng ký kinh doanh trong đó có ghi ngành nghề bất động sản chứng tỏ hoạt động kinh doanh của chủ đầu tư đã được pháp luật cho phép. Việc chủ đầu tư thực hiện xây dựng, kinh doanh bất động sản là hợp pháp, hoạt động đúng ngành nghề được cấp phép.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Đó có thể là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) hoặc giấy chứng nhận quyền thuê đất của chủ đầu tư. Khi dự án có đủ giấy chứng nhận thì tức là là dự án đó đã giải phóng xong mặt bằng, đất xây dự án là hợp pháp, không có tranh chấp pháp lý về sau. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chứng minh dự án chủ đầu tư đang bán không bị thế chấp tại ngân hàng.
Giấy phép xây dựng
Giấy phép xây dựng là giấy tờ xác nhận việc cho phép cá nhân, tổ chức được phép thực hiện việc xây dựng nhà cửa, công trình theo đúng quy hoạch. Giấy phép xây dựng do Sở Xây dựng cấp. Nội dung của loại giấy phép này bao gồm: Tên chủ đầu tư, vị trí dự án, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, chiều cao, chiều sâu của công trình, số tầng căn hộ, tầng hầm. So sánh các thông số trong giấy phép xây dựng với tình trạng thực tế của công trình, sẽ biết dự án có thực hiện theo đúng quy định về thiết kế hay không.
Khi mua chung cư cần tìm hiểu về hồ sơ pháp lý để tránh mất tiền oan (Ảnh minh họa) |
Nếu chủ đầu tư không có giấy phép xây dựng thì tức là xây dựng không phép, có thể bị đình chỉ thi công, chậm tiến độ dự án, gây thiệt hại cho khách hàng mua nhà.
Bản quy hoạch bất động sản chi tiết 1/500
Quy hoạch chi tiết là bản thiết kế của dự án. Trong đó có quy định chi tiết về: Tổng diện tích công trình, mật độ xây dựng, bố trí diện tích (diện tích dùng để xây dựng, diện tích cây xanh, diện tích sàn, diện tích thang máy, hạ tầng giao thông…).
Cam kết bảo lãnh của ngân hàng
Đối với nhà ở hình thành trong tương lai thì văn bản này là bắt buộc để tránh việc chủ đầu tư giao trễ hoặc treo dự án dẫn đến không giao nhà đúng thời hạn cam kết với khách hàng. Cam kết bảo lãnh phải được lập thành thư bảo lãnh và hợp đồng bảo lãnh mới có giá trị ràng buộc nghĩa vụ pháp lý của ngân hàng.
Bảo lãnh ngân hàng đảm bảo quyền lợi của khách hàng khi mua căn hộ. Nếu chủ đầu tư có rủi ro hoặc không xây dựng được dự án, chậm tiến độ thì ngân hàng sẽ chịu trách nhiệm trả tiền lại cho cư dân.
Hồ sơ xác định hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, thuế đất
Có không ít trường hợp khi người dân đi làm thủ tục cấp sổ hồng cho căn hộ chung cư bị gặp trở ngại bởi nguyên nhân là chủ đầu tư còn nợ nghĩa vụ tài chính với nhà nước. Do vậy, hồ sơ xác định chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuế đất cho nhà nước cũng là một yếu tố pháp lý người mua cần kiểm tra. Có thể kiểm tra bằng cách đối chiếu thông tin với Sở Tài nguyên Môi trường, Sở xây dựng, Sở Kiến trúc Quy hoạch của thành phố…
Biên bản nghiệm thu
Khách hàng chỉ nên ký hợp đồng mua nhà hình thành trong tương lai khi có biên bản nghiệm thu phần móng nhà. Đặc biệt, khi các bên giao nhận nhà đã hoàn thành cũng cần có biên bản nghiệm thu để đảm bảo cho việc khiếu nại về những phát sinh sau này.
Minh Châu (Tổng hợp)
Làm ngay 3 điều này nếu mua phải đất dính quy hoạch
Do nóng vội, ham rẻ, không ít người xuống tiền đặt cọc hoặc ký kết hợp đồng mua bán xong mới phát hiện đất đó dính quy hoạch.