Xác định thời hạn sử dụng đất

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa có văn bản số 703/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 14/2/2020 gửi Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hướng dẫn chế độ sử dụng đất và việc cấp chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở.

{keywords}
Các loại hình BĐS mới như căn hộ condotel, biệt thự du lịch sắp được cấp giấy chủ quyền. 

Bộ TN&MT cho rằng, Điều 48 Luật Du lịch năm 2017 quy định, căn hộ du lịch, biệt thự du lịch là cơ sở lưu trú du lịch và việc kinh doanh dịch vụ lưu trú tại các căn hộ du lịch, biệt thự du lịch thuộc loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch và thuộc nhóm ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống.

Bên cạnh đó, tại Điểm d, Khoản 2, Điều 10 Luật Đất đai và phụ lục 01 ban hành kèm thông tư số 27/2018/TT-BTNMT ngày 14/12/2018 quy định về thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất thì việc sử dụng đất vào mục đích kinh doanh dịch vụ thuộc loại đất thương mại dịch vụ.

Chế độ sử dụng đất thương mại, dịch vụ được quy định tại Điều 153 Luật Đất đai. Theo đó, thời hạn cho thuê đất đối với tổ chức để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ được xem xét trên cơ sở dự án đầu tư hoặc đơn xin thuê đất nhưng không quá 50 năm.

Đối với dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn mà cần thời hạn dài hơn thì thời hạn cho thuê đất không quá 70 năm. Khi hết thời hạn, người sử dụng đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì được xem xét gia hạn. 

Chỉ cấp cho các trường hợp đủ điều kiện

Về việc cấp chứng nhận quyền sở hữu, Bộ TN&MT hướng dẫn, trường hợp các dự án có công trình căn hộ du lịch, biệt thự du lịch có đủ điều kiện được chuyển nhượng theo quy định của Luật Kinh doanh BĐS thì việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng trên cho bên nhận chuyển nhượng. 

Việc cấp chứng nhận quyền sở hữu này được thực hiện theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Đất đai và Khoản 22, Điều 22 của Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung mội số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.

Về trình tự thủ tục, hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận, Bộ TN&MT yêu cầu các Sở tuân thủ quy định về hồ sơ địa chính của các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành chi tiết Luật Đất đai. Đề nghị Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát các dự án đầu tư đã được phê duyệt và việc thực hiện giao đất, cho thuê đất của từng dự án để xác định mục đích và thời hạn sử dụng đất theo quy định. 

“Trường hợp đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật đất đai và pháp luật khác có liên quan thì thực hiện cấp giấy chứng nhận cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất và không làm thay đổi quy mô, mục tiêu, quy hoạch của dự án”, văn bản hướng dẫn của Bộ TN&MT nêu rõ.

Ghi nhận trên thị trường, sau thời gian phát triển nóng, thị trường condotel đã dần hạ nhiệt. Tiếp đó, cuối năm 2019, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đón nhận cú sốc mang tên Cocobay khi Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô (Tập đoàn Empire) chủ dự án Cocobay Đà Nẵng tuyên bố chấm dứt việc chi trả thu nhập cam kết với các khách hàng tại dự án.

Đánh giá về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, đến nay khi vấn đề về quyền sở hữu được rõ ràng thì việc cam kết lãi suất cũng là “điểm nghẽn” đặc biệt sau cú sốc Cocobay.

{keywords}
Sáng 14/2, khách hàng mua căn hộ dự án tổ hợp nghỉ dưỡng Cocobay Đà Nẵng tiếp tục căng băng rôn đòi quyền lợi.

Câu chuyện về cam kết lợi nhuận condotel “chót vót” 10-12% đã gây tranh cãi trong suốt nhiều năm qua. Trên thực tế, nhiều chuyên gia đã đưa ra cảnh báo rủi ro trước những bản hợp đồng cam kết thiếu tính pháp lý.

Ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam cho rằng, chắc chắn sẽ có thêm các trường hợp dự án condotel không thể đáp ứng được mức lợi nhuận cam kết bởi chúng ta có thể nhìn thấy đâu đó trên thị trường vẫn tồn tại các dự án chưa được chủ đầu tư đúng mức từ phần bù thu được khi bán hàng.

Có thể thấy, sau thời gian “chạy đua” cam kết lợi nhuận đến nay, khi các dự án condotel này đi vào vận hành, những cam kết lợi nhuận trước đây mới lộ tính bất khả thi, dẫn đến việc phải chấm dứt cam kết lợi nhuận với các chủ sở hữu condotel khiến nhiều nhà đầu tư “đứng ngồi không yên”, trùn tay rót tiền vào condotel thời điểm này.

Theo báo cáo của một trang web chuyên về bất động sản cho thấy, năm 2018 giá trung bình condotel cả nước tiệm cận mốc 40 triệu đồng mỗi m2 nhưng đến quý IV/2019 chỉ ghi nhận 35 triệu đồng, giảm 8%.

Báo cáo này cũng đưa ra dự báo xu hướng của thị trường Condotel trong 12 tháng tới với bức tranh màu xám. Đơn vị này cho rằng, năm 2020 sẽ đầy khó khăn đối với condotel khi nhà đầu tư đang mất niềm tin vào loại sản phẩm này, sau sự cố dự án condotel tại Đà Nẵng phá vỡ cam kết lợi nhuận 12%/ năm. Chưa dừng lại ở đó, đầu năm 2020 phân khúc căn hộ condotel tiếp tục nhận đòn đau khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Cocobay vỡ trận, Bộ Xây dựng tính làm hợp đồng mẫu cho condotel

Cocobay vỡ trận, Bộ Xây dựng tính làm hợp đồng mẫu cho condotel

Thứ trưởng Xây dựng cho biết Bộ này sẽ nghiên cứu việc ban hành mẫu hợp đồng giữa chủ đầu tư và các nhà đầu tư thứ cấp về condotel, quy định rõ mức lợi nhuận.

Phương Anh Linh - Hồng Khanh