Cụ thể, giá đất ở đô thị dự kiến cao nhất hơn 200 triệu đồng/m2 áp dụng cho một số địa bàn thuộc quận Hoàn Kiếm như phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Lê Thái Tổ (giá áp dụng từ ngày 1-1-2015 đến 31-12-2019 là 162 triệu đồng/m2). Giá thấp nhất thuộc địa bàn quận Hà Đông ở mức hơn 4,5 triệu đồng/m2. Dự thảo nghị quyết bảng giá đất trên sẽ được trình HĐND xem xét, thông qua tại kỳ họp đầu tháng 12 tới để áp dụng từ ngày 1-1-2020.

Để xây dựng khung giá đất, liên ngành TP đã tổ chức khảo sát, lấy ý kiến người dân và chính quyền địa phương. Kết quả cho thấy giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường với đất ở tại các quận phổ biến từ 10 triệu đến 500 triệu đồng/m2. Một số khu vực tại quận Hoàn Kiếm có giá chuyển nhượng cao đột biến như phố Hàng Bông, Hàng Bạc với mức trên 800 triệu đồng/m2; phố Lý Thường Kiệt có giá chuyển nhượng hơn 900 triệu đồng/m2.

Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, bảng giá các loại đất được xác định làm căn cứ trong các trường hợp tính tiền sử dụng đất; tính thuế sử dụng đất; tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất; tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai; tính tiền bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất...

Trong khi đó, Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản góp ý về khung giá đất giai đoạn 2019-2024 gửi UBND TP.HCM và Bộ TN&MT (khung giá đất cũ sẽ hết hạn vào ngày 29-12-2019).

{keywords}

Hai đô thị lớn nhất nước đều đề xuất tăng 30% giá đất. Ảnh minh họa

Cụ thể, Hiệp hội BĐS cho rằng với các văn bản hiện hành về định giá khung giá đất đang dẫn đến tình trạng giá đất bất hợp lý (trong bảng giá đất) của các tỉnh, thành trực thuộc trung ương. Đơn cử như bảng giá đất TP.HCM chỉ bằng khoảng 30%-50% giá trên thị trường.

Trước tình hình đó, đối với các TP trực thuộc trung ương như TP.HCM, HoREA đề xuất khung giá đất mới sẽ giữ nguyên mức giá tối thiểu, mức giá tối đa thì tăng khoảng 1/3 so với hiện nay.

Theo đó, giá đất tối đa trong bảng giá đất mới có thể là: Giá đất ở tối đa 280 triệu đồng/m2 (giá cũ 215,4 triệu đồng/m2); giá đất thương mại, dịch vụ tối đa 223,9 triệu đồng/m2 (giá cũ 172,3 triệu đồng/m2); giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp tối đa 167,9 triệu đồng/m2 (giá cũ 129,2 triệu đồng/m2).

Bên cạnh đó, khi áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất hằng năm, ví dụ hệ số khu vực 1 năm 2019 là 2,5 lần thì giá đất tương ứng để thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước sẽ là 700 triệu đồng/m2 (giá đất ở tối đa), 559,7 triệu đồng/m2 (giá đất thương mại, dịch vụ tối đa)…

Theo HoREA, mức tăng 30% được xem là hợp lý vì nếu tăng quá cao có thể dẫn đến việc lợi bất cập hại về lâu dài. Nếu đề xuất mức tăng cao hơn, trước mắt có thể làm nguồn thu ngân sách nhà nước tăng nhưng về lâu dài sẽ tác động xấu đến doanh nghiệp.

“Chúng tôi nhận thấy nếu nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất đai ít hơn một chút thì người dân và doanh nghiệp sẽ được lợi. Người dân sẽ tăng chi cho tiêu dùng hoặc kinh doanh, còn doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn vốn để mở rộng đầu tư kinh doanh” - ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nhận định.

Dự kiến bảng giá đất của Hà Nội giai đoạn 2020-2024

Giá đất nông nghiệp tối đa trên 320.000 đồng/m2.

Đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất có giá tối đa 78.000 đồng/m2.

Giá đất ở thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm cao nhất trên 210 triệu đồng/m2; thấp nhất thuộc quận Hà Đông hơn 4,5 triệu đồng/m2.

Giá đất đô thị tại các phường của thị xã Sơn Tây tối đa trên 20 triệu đồng/m2, tối thiểu 1,5 triệu đồng/m2.

Giá đất ở tại thị trấn thuộc các huyện có giá tối đa hơn 26 triệu đồng/m2, tối thiểu 1,4 triệu đồng/m2.

Giá đất nông thôn tại các xã giáp ranh quận khoảng 34 triệu đồng/m2, tối thiểu 2,4 triệu đồng/m2; khu ven trục đường giao thông chính tối đa gần 16 triệu đồng/m2; khu dân cư nông thôn tối đa gần 3 triệu đồng/m2.

Giá đất thương mại, dịch vụ tại các quận tối đa hơn 150 triệu đồng/m2; tại thị xã Sơn Tây tối đa 14 triệu đồng/m2; tại thị trấn các huyện tối đa 18 triệu đồng/m2... 

Theo Báo điện tử Pháp luật TPHCM

TP.HCM: Doanh nghiệp bất động sản đứng đầu danh sách nợ thuế

TP.HCM: Doanh nghiệp bất động sản đứng đầu danh sách nợ thuế

Cục thuế TP. HCM cũng vừa công bố rộng rãi thông tin hơn 1.140 doanh nghiệp nợ thuế kỳ 7/2019. Số tiền nợ thuế lên đến hơn 2.000 tỷ đồng. Dẫn đầu là các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản chiếm phần lớn với số tiền nợ cao.