Chiến thuật của Trung Quốc khá cao tay, bao gồm cả nỗ lực sử dụng sức mạnh để thay đổi nguyên trạng tranh chấp ở biển Hoa Đông - cáo buộc đưa ra từ phía Nhật Bản.

Cáo buộc được đề cập khi Tokyo ban hành Sách trắng Quốc phòng mới, trong đó cho rằng, Trung Quốc “tìm kiếm thay đổi hiện trạng khu vực bằng sức mạnh”.

Một quan chức Nhật Bản nhận định: “chiến thuật của Trung Quốc khá cao tay, bao gồm cả nỗ lực sử dụng sức mạnh để thay đổi nguyên trạng, cũng như khăng khăng khẳng định yêu sách chủ quyền phù hợp với trật tự của luật pháp quốc tế... Những hành động nguy hiểm ấy có thể dẫn tới hậu quả khôn lường”.

{keywords}

Tàu hải giám Trung Quốc bên cạnh một tàu cá Nhật Bản tại khu vực quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: Reuters

Đáp trả trở lại bản báo cáo quốc phòng trên, Trung Quốc tuyên bố Tokyo đã đưa ra những “cáo buộc sai sự thật”. Bắc Kinh thậm chí cho rằng lập luận đó xuất phát từ “một số lực lượng chính trị” ở Nhật Bản “thiên về củng cố sứ mạnh quân sự và chuẩn bị chiến tranh”.

Tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước đã âm ỉ nhiều năm qua và lên tới đỉnh điểm vào tháng 9 năm ngoái khi chính phủ Nhật mua ba trong số nhóm đảo tranh chấp tại Hoa Đông từ tay chủ sở hữu tư nhân.

Trước đó, Thủ tướng Nhật Abe đã xuất hiện trên truyền hình với tuyên bố cứng rắn về vấn đề biển đảo, đồng thời tìm kiếm sự ủng hộ thay đổi hiến pháp hoà bình thời hậu chiến nhằm hợp pháp hoá quân đội.

Trong diễn biến liên quan, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải phát biểu trước thềm đối thoại chiến lược kinh tế bắt đầu từ hôm nay tại Washington rằng, sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương là không cân xứng với mối đe doạ an ninh mà khu vực phải đối mặt.

Đại sứ Trung Quốc tỏ ý nghi ngờ về tuyên bố của Mỹ sẽ không đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp giữa Bắc Kinh và Tokyo về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Hoa Đông.

“Đôi khi, lúc nói chuyện với chúng tôi, họ nói một đằng; và khi họ nói chuyện với Nhật Bản, họ lại nói một nẻo. Nên lập trường thực sự của Mỹ là gì? Chúng tôi phải chờ đợi và xem xét”.

Ông này cho rằng, vấn đề trung tâm ở châu Á – Thái Bình Dương là chương trình hạt nhân Triều Tiên, nhưng Mỹ không nên sử dụng vấn đề  này để tăng cường hiện diện quân sự khắp khu vực.

Trả lời phỏng vấn hãng CNN, ông Thôi nhấn mạnh: "Tôi không nghĩ Mỹ nên phản ứng thái quá với mối đe doạ như vậy. Vệc củng cố các liên minh quân sự của Mỹ là không hoàn toàn tương xứng với mối đe doạ thực sự và khiến mọi người có lý do để hoài nghi về các dụng ý của Washington”.

Thái An (Theo csmonitor, scmp)