Trích dẫn một báo cáo quân sự, hãng tin Nhật Bản Kyodo hôm qua cho biết, hải quân Trung Quốc đã mở một lộ trình tuần tra giám sát mới bao trùm hầu hết các bãi đá ngầm và đảo tranh chấp ở Biển Đông.
Ảnh: Philstar |
Theo đó, "khoanh vùng" mới gồm cả những bãi cạn mà Philippines tuyên bố chủ quyền. Những khu vực này chỉ cách ngoài khơi tỉnh Palawan 85 hải lý. “Tất cả các bãi đá, bãi cạn và đảo khác đều nằm trong hoặc thuộc phạm vi tuyến tuần tra này", báo cáo nhấn mạnh.
Động thái trên đã khiến tình hình khu vực thêm căng thẳng, Kyodo cho biết. Tháng 5 vừa qua, Philippines đã gửi công hàm ngoại giao phản đối việc Trung Quốc xâm nhập bãi Ayungin nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines.
Cũng theo Kyodo, bãi ngầm Panganiban giờ đây đã trở thành căn cứ và trung tâm chỉ huy nhộn nhịp nhất của hải quân Trung Quốc. Các tàu khu trục, tàu tuần tra và tàu cá thường xuyên neo đậu tại đây.
Trong khi tăng cường các động
thái quân sự, thì Trung Quốc dường như lại hờ hững với những nỗ lực ngoại giao
mà các bên liên quan xúc tiến để giải quyết tranh chấp. Mới đây, Tân Hoa xã dẫn
lời Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo về việc một bộ Quy tắc ứng xử ở
Biển Đông (COC) không thể thiết lập vội vàng vì liên quan tới lợi ích của nhiều
nước.
Ở hội nghị ngoại trưởng ASEAN ở Brunei cuối tháng 6, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc đã nhất trí khởi động tham vấn chính thức về COC để quản lý các tranh chấp ở Biển Đông tại hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc (SOM) tháng 9 tới.
Giới phân tích nhận định, Trung Quốc sẽ "chần chừ" trong việc đạt được thỏa thuận mang tính ràng buộc pháp lý ở Biển Đông vì điều này bất lợi cho họ.
Philippines lờ đề xuất ba điểm của TQ
Trước việc Ngoại trưởng Trung Quốc đưa ra đề xuất ba điểm giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, Manila tuyên bố, vấn đề cơ bản nằm ở chỗ yêu sách quá mức của Bắc Kinh với vùng biển giàu tài nguyên này. Ba điểm mà ngoại trưởng Trung Quốc đưa ra là giải quyết tranh chấp thông qua tham vấn, đàm phán; thực thi Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (không có tính ràng buộc pháp lý) và cùng khai thác.
Trong cuộc họp báo hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez nói: “Cần nhấn mạnh một lần nữa vào vấn đề cốt lõi của Trung Quốc với tuyên bố chủ quyền ở hầu hết Biển Đông thông qua đường 9 đoạn".
Đường 9 đoạn mà Trung Quốc tuyên bố gồm những ranh giới bao trùm 80% diện tích Biển Đông, kể cả những khu vực lượn sát bờ biển nước khác. Chính việc này đã khiến Philippines quyết định kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về luật biển. Manila tin rằng, dù quân đội tụt hậu hơn so với Trung Quốc, nhưng công lý có thể được thực thi công bằng thông qua luật pháp quốc tế.
Dĩ nhiên, Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện này.
“Philippines đã khẳng định trước hội đồng trọng tài về việc Trung Quốc được mời nhưng từ chối tham dự. Yêu sách đường 9 đoạn là quá mức, và vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật biển. Đây là vấn đề cốt lõi và Trung Quốc phải giải quyết một cách phù hợp", ông Hernandez nhấn mạnh.
Cạnh tranh tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước khác đã làm dấy lên quan ngại rằng, đây sẽ là điểm nóng có thể dẫn tới xung đột vũ trang trong khu vực.
Thái An (theo philstar,
gmanetwork)